“Nhờn luật” diễn ra khắp nơi
Tình hình TTATGT ngày càng diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm quy định về ATGT diễn ra khá phổ biến và thường xuyên ở nhiều nơi. Dù có nhiều quy định để ngăn chặn vi phạm, nhất là với GTĐB, tuy nhiên nội dung, quy định ở một số lĩnh vực vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ.
Hơn nữa, để tạo được chuyển biến thực sự mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong bảo đảm ATGT thì cần thiết có luật riêng, đồng nghĩa với việc tách các quy định về bảo đảm ATGT đường bộ ra khỏi Luật GTĐB và trở thành Luật Bảo đảm trật tự ATGT.
Tuy nhiên, theo tôi, việc xây dựng thành luật riêng này cần phải khắc phục được tình trạng “nhờn luật”. Hiện nay, ra đường là thấy vi phạm, phổ biến nhất là việc sử dụng lòng đường để bày, bán hàng, phơi thóc, lúa (khi vào vụ gặt); vỉa hè không còn lối đi dành cho người đi bộ.
Hay quy định về cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao đã có, mức phạt khá cao nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Khi Nghị định 100 mới có hiệu lực, việc chấp hành tương đối tốt, các quán rượu bia giảm hẳn lượng khách. Nhưng nay tình hình trở lại như cũ, nhiều quán rượu, bia lại tấp nập khách ra vào, phần lớn họ vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà không bị xử lý.
Tình trạng này có thể coi là sự “nhờn luật” và nếu càng kéo dài, “nhờn luật” càng tăng. Nếu xây dựng riêng Luật Bảo đảm ATGT mà không ngăn chặn được tình trạng này thì xem như luật chưa thành công.
Phải chăng cần một mô hình tổ chức chuyên sâu hơn
Qua tìm hiểu dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, tôi thấy rằng, luật đã đề cập nhiều nội dung nhưng vẫn chưa đầy đủ, toàn diện những vấn đề liên quan đến bảo đảm ATGT.
Chẳng hạn, vi phạm sử dụng hành lang ATGT diễn ra khá phổ biến, nhiều trục đường giao thông dần trở thành những “tuyến phố”, nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất lớn. Vậy luật quy định về vấn đề này thế nào và ai phải chịu trách nhiệm?
Tương tự, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng đang là nguyên nhân lớn gây mất ATGT, vừa là nguy cơ tiềm ẩn và trực tiếp gây ra TNGT. Vì vậy rất cần những quy định cụ thể về chế tài xử lý những vi phạm này, tuy nhiên dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT chưa đề cập rõ.
Một điểm nữa, trong dự thảo luật này có đề cập đến giải pháp thay đổi tổ chức quản lý và đào tạo, cấp GPLX. Đây là vấn đề lớn và cần nhận thức rõ, thay đổi nhiệm vụ quản lý và đào tạo, cấp GPLX có thể giải quyết, cải thiện đáng kể tình hình TTATGT không? Các cơ quan chức năng đã đánh giá, chỉ ra những hạn chế, yếu kém của công tác quản lý và đào tạo, cấp GPLX hiện nay chưa để cần thiết phải thay đổi tổ chức? Đây là những vấn đề cần được quan tâm làm rõ.
Để giải quyết được những vấn đề đặt ra của công tác bảo đảm ATGT, phải chăng cần một mô hình tổ chức chuyên sâu hơn, có đủ khả năng giải quyết, tham mưu những vấn đề đặt ra để TTATGT có chuyển biến hơn. Và đó có phải là hướng tới một cơ quan chuyên về ATGT với đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ bảo đảm ATGT. Nếu cần một cơ quan như vậy, theo tôi nên tập trung vào nâng cao năng lực và bổ sung nhiệm vụ cho Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phù hợp hơn.
Một điểm khác cần lưu tâm, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ chỉ đề cập đến đường bộ, tuy nhiên vấn đề đảm bảo ATGT đường bộ thường chịu nhiều tác động của đường sắt. Vì vậy nên xây dựng một luật chung cho cả lĩnh vực đường bộ với đường sắt hoặc có thể thêm cả đường thủy khi điều kiện cho phép.
Tăng cường vai trò của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các cấp
Khi có luật riêng về bảo đảm trật tự ATGT cần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi pháp luật, khắc phục được tình trạng “nhờn luật” và những tồn tại, hạn chế trong bảo đảm TTATGT thời gian qua. Công tác tổ chức, bộ máy là vấn đề quan trọng gắn liền với việc thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, vì vậy cần tăng cường vai trò của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các cấp, là cơ quan chuyên môn, hướng tới chịu trách nhiệm chính trong xây dựng luật về bảo đảm trật tự ATGT.