Khoảng trống pháp luật
Khoảng 11h ngày 23/3/2023, tại đường tránh quốc lộ 20, qua xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) xảy ra vụ TNGT xe ô tô do ông D.T.V. (54 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) điều khiển chở theo cháu bé 4 tuổi đâm vào lan can cầu, rơi xuống vực khiến bé gái 4 tuổi tử vong.
Hiện trường xe 7 chỗ đâm vào lan can bên đường khiến bé 7 tuổi tử vong. Thời điểm này, trên xe không có ghế dành riêng cho trẻ em
Trước đó, ngày 24/2/2021, cũng tại đèo Bảo Lộc (TP Bảo Lộc), ô tô BKS 60A-591.78 do ông Lê Văn Quân (40 tuổi, trú tại Hà Nội) điều khiển chở theo vợ và 2 con nhỏ, khi đi đến khúc cua tại vị trí có tượng đài Đức Mẹ (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai – Lâm Đồng), chiếc xe đã tông trực diện vào lan can bê tông ven đường, khiến bé trai 7 tuổi tử vong trên đường tới bệnh viện.
Theo lực lượng chức năng, trên xe không có ghế dành riêng cho trẻ em và khi xảy ra va đập đã để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Đây cũng là thực tế tồn tại từ nhiều năm nay ở nước ta.
PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, tỷ lệ các vụ TNGT đường bộ có liên quan đến ô tô chiếm khoảng 30% tất cả các vụ tai nạn. Nếu xét đến tỷ lệ ô tô so với xe máy thì con số này cho thấy rằng người điều khiển ô tô đang có nguy cơ cao hơn rất nhiều, nhất là khi mức độ gia tăng về số lượng ô tô cá nhân tại Việt Nam hàng năm đạt đến trên 10%.
Tính từ năm 2016 – 2020, số ô tô đăng ký tại cơ quan công an đã tăng gần 1,73 triệu xe (tăng gần 59%), mô tô tăng 24 triệu xe (tăng gần 51%), dân số nước ta cũng tăng hơn 3,2 triệu người.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do việc phải chấp hành giãn cách xã hội, số lượng phương tiện ô tô lưu hành toàn quốc vẫn tăng trên 374.000 xe, nâng tổng mức ô tô đang lưu hành toàn quốc từ 4,18 triệu xe vào tháng 12/2020 lên đến 4,55 triệu xe vào 12/2022.
ThS.BS. Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết thêm, khảo sát 14.924 xe ô tô cá nhân tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy có 7,4% các xe chở trẻ em. Và tình trạng để trẻ em ngồi ghế trước khá phổ biến, cụ thể có 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước 1 mình và 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội với 2,6%, ở TP.HCM có 1,1%. Đáng chú ý, tại Đà Nẵng không có trường hợp nào sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô.
Trong khi đó, tại các nước trên thế giới, hiện có hơn 100/193 quốc gia được công nhận là thành viên của Liên hợp quốc hiện đã quy định rõ ràng trong luật về việc bắt buộc phải sử dụng ghế ngồi trên ô tô cho trẻ em khi đi xe hơi riêng.
“Các báo cáo từ những vụ tai nạn tại Mỹ cho thấy rằng: Nếu con bạn sử dụng ghế chuyên dụng khi ngồi ô tô thì có thể giảm đến 95% trường hợp tử vong và nếu gắn ghế chuyên dụng đúng cách trên ô tô thì có thể giảm 65% số ca chấn thương nặng”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh: TNGT đường bộ luôn được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với nhóm trẻ từ 5 – 18 tuổi.
Thế nhưng, tại Việt Nam chưa có quy định pháp luật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam cũng không quy định cấm hay có một quy định cụ thể nào về việc trẻ em ngồi ghế phụ phía trước thậm chí là ngồi cùng ghế lái.
Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 123/2021 của Chính phủ cũng chỉ quy định người điều khiển ô tô và người ngồi ở vị trí có trang bị dây an toàn bắt buộc phải thắt dây an toàn. Do đó, trẻ em cũng có thể ngồi ở vị trí ghế phụ phía trước và trong trường hợp này cần phải thắt dây an toàn.
Tuy nhiên, việc để trẻ em ngồi ở vị trí ghế phụ phía trước rất nguy hiểm, kể cả trong trường hợp có sử dụng thiết bị an toàn (TBAT) thì vẫn nên ưu tiên lắp đặt ở hàng ghế phía sau.
Theo các chuyên gia cần sớm luật hóa quy định pháp luật về thiết bị chuyên dụng bảo vệ trẻ em trên ô tô để ngăn thương vong cho trẻ khi xảy ra TNGT
Sớm luật hóa giúp trẻ an toàn khi đi ô tô
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội nhìn nhận: Trong xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, quy định về TBAT trên ô tô cho trẻ em là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông bằng ô tô.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Phạm Việt Cường cho biết, nghiên cứu cho thấy, trẻ em chỉ có thể dùng dây an toàn khi cao khoảng 135cm hoặc khoảng 10 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra 3 tiêu chí của một quy định tốt về ghế an toàn cho trẻ em, gồm: Luật phải quy định trẻ phải sử dụng ghế trẻ em ít nhất đến 10 tuổi hoặc đạt chiều cao 135cm; Luật cần đề cập tiêu chuẩn về ghế an toàn dành cho trẻ em; Luật hạn chế trẻ em theo tuổi hoặc chiều cao ngồi ghế trước.
Theo ông Cường, dựa trên khuyến nghị của WHO và nghiên cứu sự phát triển của trẻ em Việt Nam, cần sớm luật hóa quy định về ghế an toàn cho trẻ trên ô tô.
“Các quy định có thể nghiên cứu áp dụng là bắt buộc các đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi, dưới 135cm; Quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước; tiêu chuẩn kỹ thuật ghế, chất lượng ghế trên xe”, ông Cường nói.
TS. Hiếu cho biết thêm, tại Việt Nam hiện nay, nhiều người dân đã chủ động lắp đặt ghế chuyên dụng trên ô tô để đảm bảo an toàn cho con trẻ. Tuy nhiên, ghế được sử dụng có rất nhiều chủng loại nên việc luật hóa, đưa ra các tiêu chí về TBAT này cần sớm được nghiên cứu, chuẩn hóa, từ đó, bổ sung quy tắc giao thông kèm theo.
“Các nước trên thế giới có quy định đa dạng về sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em. Nhiều quốc gia quy định trẻ em dưới 12 tuổi phải ngồi hàng ghế phía sau.
Nhiều nước ở châu Âu có tiêu chuẩn rất cao, ở Áo là dưới 14 tuổi, trong khi đó ở Đức, Anh quy định trẻ dưới 12 tuổi phải có ghế chuyên dụng.
Ngoài ra, căn cứ vào chiều cao, ở Đức là dưới 1,5m và ở Anh là dưới 1,35m. Ở Úc, trẻ em dưới 7 tuổi phải có thiết bị bảo hộ khi đi ô tô. Ở Mỹ, Anh coi việc không tuân thủ thiết bị bảo hộ cho trẻ em là vi phạm pháp luật”, TS. Hiếu nói và đề xuất: Tại Việt Nam nên xem xét có quy định cụ thể về chiều cao và tuổi của trẻ em là dưới 10 tuổi hoặc dưới 135cm theo khuyến nghị của WHO.
Thiết bị an toàn (TBAT) trên ô tô cho trẻ em với cơ chế bảo vệ giữ trẻ không bị văng ra khỏi chỗ ngồi, ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài, hướng các lực tác động lên trẻ tới các vị trí có sức chịu lực mạnh nhất trên cơ thể trẻ và phân bố lực tác động trên diện rộng, bảo vệ phần đầu, cổ và cột sống của trẻ sẽ giúp trẻ tránh không bị thương bên trong xe khi xảy ra va chạm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, lợi ích của TBAT đã cho thấy rất tích cực đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ dưới 4 tuổi. Đối với trẻ từ 8 – 12 tuổi, việc sử dụng ghế nâng được cho thấy có mối liên quan trong việc giảm 19% nguy cơ tổn thương so với việc sử chỉ dụng dây đai an toàn.