Làm gì để trẻ tự đến trường an toàn?

  • Blog
  • Làm gì để trẻ tự đến trường an toàn?
Làm gì để trẻ tự đến trường an toàn?

[ad_1]

Phụ huynh lo lắng khi để con tự đến trường

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, đa phần trẻ em được phụ huynh đưa đến trường bằng phương tiện cá nhân do lo ngại về việc đảm bảo an toàn cho con trên đường đi học.

Làm gì để trẻ tự đến trường an toàn? 1

Đa phần phụ huynh ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn vẫn đưa đón con đi học bằng xe máy, ô tô thay vì để con tự đến trường bằng xe đạp, đi bộ do lo ngại mất an toàn

Anh Nguyễn Văn Đức (trú tại quận Nam Từ Liêm) cho biết, kể từ sau vụ tai nạn của học sinh lớp 4 khi va vào xe chở tôn trên đường đi học vào năm ngoái, thay vì cho con tự đi xe đạp đến trường, vợ chồng anh đã phải thay phiên nhau sắp xếp thời gian, công việc đưa đón con, dù con đã học lớp 5.

Thậm chí, chị Mai Thị Liên (trú tại quận Cầu Giấy) có con học lớp 12 nhưng vẫn đưa đón con đi học mỗi ngày. “Tôi vẫn chưa dám để con đi xe máy hay đi xe đạp điện vì giờ cao điểm rất đông phương tiện, xe máy “trộn” với ô tô đi rất nhốn nháo, chưa kể còn có thể bị cướp giật, nguy hiểm lắm. Hôm nào bận quá, không sắp xếp được, tôi để con đi xe buýt đến trường”, chị Liên tâm sự.

Trong khi đó, chị Phạm Huyền (quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ khi con học lớp 3, vợ chồng chị đã thống nhất sắm cho con một chiếc xe để bé tự đến trường vì nhà chỉ cách trường hơn 1km.

“Lúc đầu cũng thấy lo lắm, tôi dành 1 tháng để đi xe máy phía sau kèm con, những tình huống phát sinh tối về cả nhà sẽ trao đổi, hướng dẫn con cách đi sao cho an toàn nhất. Cũng có những hôm về con kể bị xe máy, ô tô bấm còi làm giật mình, hay va quệt nhẹ vào các xe khác. Tuy nhiên, con không sợ hãi mà bình tĩnh xử lý, tôi thấy con cứng cáp hơn”, chị Huyền nói và cho biết: Để yên tâm, chồng chị đã ghi rõ tên, trường lớp, số điện thoại phụ huynh của con trên chắn bùn xe.

“Giờ con lên lớp 5 rồi, vẫn còn lo lắm, thỉnh thoảng vẫn đi phía sau con để xem con đi lại thế nào. Nhưng phải chấp nhận “buông” để con tự lập, trưởng thành”, chị Huyền chia sẻ thêm.

Theo nghiên cứu của tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam, việc học sinh tự mình đi bộ, đạp xe đi học sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khoẻ, tăng tính tự lập, tăng cường các kỹ năng xã hội. Ngoài ra, khi cha mẹ không phải đưa đón con đi học bằng xe máy, ô tô, nhu cầu đi lại bằng các phương tiện giao thông cơ giới trong thành phố cũng giảm theo, giúp giảm tắc nghẽn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm thời gian cho chính họ.

Em Nguyễn Phương Thảo (học sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) cho biết, từ khi lên cấp 2, bố mẹ đã hướng dẫn em đi xe đạp để đến trường vì trường chỉ cách nhà khoảng 2km.

“Bố mẹ tập cho con đi xe đạp từ khi 3 tuổi, mỗi cuối tuần đều dành thời gian để con và các bạn đi xe phía dưới sân chơi của chung cư. Dịp hè trước khi con lên lớp 6, 3 lần một tuần bố mẹ cho con đi xe bên ngoài đường lớn dọc từ nhà đến trường để làm quen, hướng dẫn con cách chờ đèn đỏ, quan sát khi qua các điểm giao cắt. Những hôm đầu, con đi chậm nhưng giờ quen đường đến trường nhanh lắm. Vì đường có làn dành riêng cho xe máy, xe đạp phía trong cùng nên ít nguy hiểm hơn”, Thảo tâm sự và cho biết, dù vậy, ở lớp cũng chỉ có hơn 10 bạn tự đi đến trường như Thảo, còn đa phần vẫn được bố mẹ đưa đón.

Theo tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam, tại các đô thị lớn, sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện giao thông cơ giới và tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho ngày càng ít trẻ em đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường.

Cụ thể, khảo sát ngẫu nhiên ở hai trường tiểu học tại Hà Nội của tổ chức này cho thấy: Gần 3/4 số học sinh tiểu học được bố mẹ chở đến trường bằng xe máy, trong khi chỉ có chưa đến ¼ số học sinh đi bộ đến trường và về nhà; Hơn 2/3 số học sinh (68,9%) sống cách trường học trong vòng 1,5 km (khoảng cách có thể đi bộ hoặc đi xe đạp) nhưng chỉ có 15,5% học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường và 30% học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp về nhà.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu, sau đợt giãn cách xã hội do Covid – 19 đầu tiên vào tháng 4/2020, tỷ lệ trẻ em đi lại tích cực (xe đạp và đi bộ) đã giảm 23%, từ 53% (trước dịch) xuống 31% trong khi tỷ lệ đưa đón bằng xe máy tăng lên 11%. Đến nay, việc đưa đón đã thành thói quen và nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục duy trì, kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

“Việc cha mẹ không để con tự đi đến trường là do họ lo lắng cho an toàn của con mình khi mà hạ tầng cũng như phương tiện công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số trường học có xe hợp đồng đưa đón nhưng không đủ điều kiện nên từng xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.

Trong khi đó, vỉa hè bị lấn chiếm nên trẻ không có không gian đi bộ và việc đi xe đạp trong dòng giao thông hỗn hợp cũng hết sức rủi ro cho trẻ”, ông Hiếu nhìn nhận.

Đồng quan điểm, tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam cũng cho biết, ngoài những trường hợp học sinh có nhà ở xa trường học, những trở ngại được nhắc đến nhiều nhất khiến học sinh và phụ huynh không muốn con đi bộ đến trường là do môi trường đi bộ không thuận lợi (không có vỉa hè hoặc vỉa hè không bằng phẳng, bị lấn chiếm), những nguy hiểm về an ninh, ATGT và thời gian hạn chế.

Làm gì để trẻ tự đến trường an toàn? 2

Giao thông trước cổng trường phức tạp, hỗn loạn vì xe máy, ô tô của phụ huynh chờ đón con xếp ngang dọc

Làm gì để trẻ tự đến trường an toàn?

Để khuyến khích học sinh đi bộ, đi xe đạp đến trường, theo tổ chức Health Bridge trước tiên và quan trọng nhất phải tạo ra được những tuyến đường đi bộ, đi xe đạp an toàn.

Để làm được điều này, cần có sự phối hợp giữa các ngành GTVT, giáo dục và đào tạo, công an để xây dựng tuyến đường đi bộ đến trường an toàn cho học sinh, cụ thể vỉa hè phải bằng phẳng, không bị lấn chiếm để xe hoặc bán hàng, có đèn tín hiệu giao thông sang đường, có biển báo khu vực gần trường học,…

Ngoài ra, chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh phải cùng tham gia khảo sát địa bàn, đưa ra những cải tạo cần thiết, những sáng kiến để khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc học sinh đi bộ, đi xe đạp đến trường.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Hiếu cho rằng, việc xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm điều này trên phạm vi toàn thành phố sẽ khó khăn và tốn kém.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi gần đây cho thấy, nếu cự ly quá xa thì cha mẹ cũng sẽ không để con tự đi học. Xác suất bố mẹ cho con tự đi học cao nhất là trong cự ly dưới 1,5km. Do đó việc tăng cường an toàn và cung cấp hạ tầng đi bộ, xe đạp nên tập trung trong bán kính 1,5km từ các trường học”, TS. Hiếu nhìn nhận.

Trong khi đó, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để có thể giải quyết căn cơ vấn đề này, cần phải quy hoạch lại hệ thống trường học, dựa trên sự phân bố dân cư tại các vùng, đảm bảo các khu dân cư đông đúc phải có trường học ngay trong khu vực để học sinh có thể tự đi bộ đến trường.

Ngoài ra, cũng cần cải tạo môi trường xung quanh trường học, như lắp đặt các biển báo hiệu đi chậm, cảnh báo khu vực trường học, sơn vạch kẻ dành cho người đi bộ, gờ giảm tốc…



[ad_2]
Theo ATGT.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *