Mỗi bản án là một bản tuyên truyền, mỗi thẩm phán là một tuyên truyền viên
Chiều 5/7, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo giục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2023-2030.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại lễ ký kết.
Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao cho biết, để góp phần đảm bảo TTATGT, thời gian qua, TAND tối cao đã nghiêm túc giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống tòa án chấp hành pháp luật TTATGT, tổ chức tốt xét xử các vụ án để mỗi bản án phải trở thành một bản tuyên truyền về ATGT, mỗi thẩm phán phải trở thành một tuyên truyền viên về ATGT.
Theo ông Bình, từ năm 2017, TAND tối cao đã công khai các bản án trên trang thông tin điện tử. Đến nay, có hơn 1 triệu bản án trong đó có hơn 10.000 bản án về giao thông được công khai. Trung bình 1 ngày có hơn 23.000 lượt người truy cập vào hệ thống của tòa án để nghiên cứu về các bản án.
“Thời điểm hiện tại khi lễ ký kết đang được tổ chức cũng có 6.700 người nghiên cứu về bản án. Chỉ cần 1% số đó nghiên cứu về bản án giao thông cũng sẽ là kênh tuyên truyền giáo dục ý nghĩa về pháp luật TTATGT cho người dân”, ông Bình nhấn mạnh và đề nghị thời gian tới, công tác phối hợp tuyên truyền TTATGT của Ủy ban ATGT quốc gia và TAND tối cao cần tốt hơn, quyết liệt, sáng tạo hơn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân, từ đó, hướng đến xã hội an toàn, giảm tối đa các vụ TNGT.
Xây dựng các án lệ liên quan tới xử lý vi phạm TTATGT
Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang.
Phía Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang cho biết, trong thời gian qua, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét. Việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng. Một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm chưa bền vững. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Để kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường, nhiều giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ, trong đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Phó thủ tướng lưu ý cần chú trọng đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, quy định pháp luật về TTATGT sao cho phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng, lấy thay đổi hành vi là tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông.
Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TTATGT thông qua các hoạt động của hệ thống TAND, đặc biệt là công tác xét xử; Làm rõ nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm; xây dựng các án lệ liên quan tới xử lý các trường hợp vi phạm về TTATGT để xử lý kịp thời, nâng cao tác dụng giáo dục và răn đe với các vi phạm trong thời gian tới.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chứng kiến lễ ký giữa Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng và Phó chánh án thường trực TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ.
“Những bản án xét xử các hành vi vi phạm về TTATGT sẽ là nguồn tư liệu, tài liệu quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có tác động rất mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông và điều này cần được chú trọng trong thời gian tới”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các bộ, ngành và đặc biệt là các cơ quan có thành viên thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ các đơn vị thuộc TAND tối cao để chương trình phối hợp đạt hiệu quả và kết quả tốt nhất.
Nội dung chính của chương trình phối hợp gồm:
Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án vi phạm về TTATGT theo quy định pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật bảo đảm TTATGT trong mọi tầng lớp nhân dân; Thông qua các vụ án, bản án tổ chức biên tập, sản xuất tin bài, phóng sự báo chí, phim ngắn, phóng sự truyền hình tuyên truyền trên các cơ quan thông tấn báo chí.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất và thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm phát huy hiệu quả của công tác xét xử, mô hình phiên tòa giả định.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới và duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc chấp hành pháp luật, bảo đảm TTATGT thuộc các cơ quan truyền thông, báo chí của Tòa án nhân dân tối cao; phối hợp với các cơ quan báo chí dẫn nguồn nội dung tuyên truyền để tăng tính lan tỏa trong xây dựng văn hóa giao thông.
Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình xét xử các vụ án vi phạm; từ các vụ án vi phạm về TTATGT đã được xét xử, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tổ chức biên tập, xuất bản các ấn phẩm phục vụ tuyên truyền TTATGT trên toàn quốc.
Ngoài ra, căn cứ Kế hoạch Năm An toàn giao thông do Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành hàng năm tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, hội nghị, hội thảo; các khóa đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các đối tượng liên quan; các cuộc tọa đàm; các chương trình sự kiện cộng đồng; các cuộc thi nhằm tạo tính lan tỏa trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cùng với đó, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm TTATGT trên các nền tảng số…