Rủi ro cao
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận một bệnh nhi 14 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng vỡ tim, dập phổi, nguy kịch tính mạng.
Nguyên nhân do bé được người thân cho ngồi phía trước vô lăng ô tô để đưa đi dạo. Quá trình lái xe, tài xế vô tình đạp nhầm chân ga và chân phanh, xe đâm thẳng vào bờ tường khiến trẻ bị va đập mạnh, lồng ngực bị ép vào vô lăng cứng.
Thực tế cho thấy, trường hợp trẻ em gặp tai nạn khi ngồi ở hàng ghế trước trên xe ô tô không phải là hiếm.
Các hãng xe cũng đã có khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi không ngồi tại hàng ghế phía trước
Ông Nguyễn Mạnh Hà, giáo viên dạy lái xe thuộc Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Đông Đô cho hay, khi xảy ra tai nạn, trẻ em ngồi ở ghế phụ phía trước có nguy cơ cao đập thẳng đầu, cổ vào tap-lô của ô tô, gây chấn thương nặng, thậm chí tử vong.
Ông Nguyễn Duy Phương, giáo viên Trung tâm đào tạo lái xe an toàn Honda Việt Nam phân tích, khi có va chạm túi khí sẽ bật ra để bảo vệ người đi ô tô.
Tuy nhiên, túi khí phía trước lại không an toàn cho trẻ nhỏ vì trẻ chưa đạt được cân nặng và chiều cao phù hợp.
“Vì vậy, để an toàn, người lớn nên bế, ôm trẻ và ngồi ở phía sau ghế lái, tốt nhất là vị trí giữa”, ông Phương nói.
Đó là lý do tại dự án Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất cấm trẻ em dưới 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của lái xe khi tham gia giao thông. Trẻ em dưới 4 tuổi được chở bằng ghế thiết kế riêng.
Ủng hộ đề xuất này, PGS. TS. Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống thương tích, Đại học Y tế Công cộng cho biết, theo thống kê, tại Việt Nam có trên 60% TNGT liên quan đến người điều khiến phương tiện và ngồi trên xe, xu hướng TNGT liên quan đến ô tô tăng dần. Mỗi năm có hàng trăm trẻ em tử vong và hàng nghìn trẻ khác bị thương do TNGT.
“Trẻ dưới 12 tuổi chưa đủ chiều cao để sử dụng dây an toàn. Nếu tai nạn xảy ra, dây an toàn không giữ được trẻ và sẽ bị lao về phía trước. Các hãng xe cũng đã có khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi không ngồi tại hàng ghế phía trước”, ông Cường lý giải và cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn cao dưới 1,35m là phù hợp với trẻ em Việt Nam.
Theo TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, khi không may xảy ra tai nạn, người ngồi ở vị trí ngang với lái xe hấp thụ nhiều lực xung động nên có xác suất tử vong cao gấp 4 lần so với ngồi ghế dưới.
“Khi xảy ra va chạm, người lái xe thường có phản ứng mang tính chủ động và thường tránh được các tác động xấu. Tuy nhiên, người ngồi cạnh hay ngồi sau thường gặp hậu quả nặng nề hơn. Việc cấm trẻ em ngồi ở vị trí này là cần thiết”, ông Minh nói.
Có khó xử phạt?
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định trên.
Anh Đỗ Xuân Kiên (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hiện nay hiện nay nhiều em dưới 12 tuổi đã phát triển chiều cao trên 1,35m, trong khi đó, pháp luật chưa quy định đối với các em dưới 12 tuổi phải có chứng minh nhân dân.
Việc chứng minh độ tuổi nếu lực lượng chức năng yêu cầu sẽ khó khăn, trong khi không phải lúc nào phụ huynh cũng mang theo giấy khai sinh của con.
Đồng thời, lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ cũng sẽ phải trang bị thêm các công cụ kiểm tra để đo chiều cao các em. Điều này dễ phát sinh nhiều thủ tục, dễ gây tranh cãi.
“
Có nhiều quy tắc giao thông đặt ra là để xã hội hiểu biết, tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi. Ví dụ, quy định người điều khiển xe phải tập trung quan sát, đây là hành vi rất khó đo lường nhưng vẫn phải quy định trong luật để có cơ sở xử phạt.
TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng
Ủy ban ATGT Quốc gia
”
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, ở Việt Nam hiện chưa có một nghiên cứu, đánh giá nào về các vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em liên quan đến độ tuổi và chiều cao.
“Lấy điều kiện, tiêu chuẩn của nước ngoài, nhất là các nước Âu, Mỹ để áp dụng ở Việt Nam là chưa phù hợp, không khoa học.
Nếu quy định không rõ ràng, cụ thể sẽ gây khó khăn, thêm phức tạp cho lực lượng chức năng khi triển khai thực hiện và khó khả thi.
Việc xác định các trường hợp trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m cũng rất khó khăn, khó cho việc xử lý vi phạm. Do đó, nên chỉ khuyến cáo để người dân tham khảo”, ông Quyền góp ý.
Lý giải về vấn đề này, TS. Trần Hữu Minh cho rằng, những lo ngại về xác định chiều cao, độ tuổi của trẻ trong quá trình xử phạt là có cơ sở.
Tuy vậy, thực tế các quy định pháp luật trên thế giới cho thấy không phải hành vi vi phạm nào cũng phạt nặng.
Theo ông Minh, trong bộ quy tắc giao thông của nhiều nước trên thế giới được chia ra làm 2 nhóm: Nhóm 1 là các hành vi không được làm và có tính thực thi rất cao, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Nhóm thứ 2 là hành vi nên và không nên. “Nếu anh không tuân thủ sẽ vẫn bị phạt nhưng mức phạt sẽ nhẹ hơn so với nhóm 1”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh cho biết, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xử phạt được mà không cần đến phải mang theo thước hay căn cứ vào giấy khai sinh của phụ huynh mang theo.
Bởi hiện nay đã có hệ cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, khi được kết nối, lực lượng chức năng trên đường chỉ cần tra cứu trong hệ thống này sẽ biết được chính xác chủ phương tiện đó có mấy con, đứa trẻ đó sinh năm bao nhiêu, cân nặng, chiều cao thế nào.