Tổ công tác Đội CSGT 11, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Văn Huế
So với dịp Tết năm ngoái, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển xe tham gia giao thông bị CSGT xử lý giảm khá sâu (năm ngoái hơn 3.100 trường hợp, năm nay là hơn 1.800 trường hợp).
Tuy nhiên, con số đó không đồng nghĩa với việc nạn uống rượu bia lái xe bớt nhức nhối. Thực tế cho thấy rất nhiều người dân vẫn vô tư vi phạm trong dịp này, trong khi số ca cấp cứu vì TNGT liên quan rượu bia gia tăng.
Tưởng CSGT nghỉ Tết nên… uống vô tư!
Chiều 18/2 (tức ngày mùng 7 Tết Tân Sửu), Tổ công tác của Đội CSGT số 11 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tại Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, gần Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Chỉ trong ít giờ, cảnh sát đã xử lý gần chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó chủ yếu là xe máy. Đa phần người vi phạm khi bị lập biên bản đều cho biết, do vẫn còn dư âm của Tết nên họ không từ chối nếu được mời uống rượu, bia.
Tương tự, chiều 17/2 (tức ngày mùng 6 Tết Tân Sửu) tại số 2 Phạm Hùng, Cầu Giấy, Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội lập chốt kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn.
Trường hợp anh Hồ Anh T. (SN 1973, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) điều khiển xe máy BKS 29P1-721.84 vi phạm nồng độ cồn mức 0,115 miligam/1 lít khí thở, khi bị lập biên bản, anh T. cho biết do hôm trước nhà vừa làm cỗ hóa vàng nên đã uống rất nhiều rượu. Anh T. không nghĩ hôm sau lái xe ra đường vẫn “dính” nồng độ cồn.
Trước đó, chiều 15/2 (tức ngày mùng 4 Tết), Tổ công tác Đội CSGT số 10 tiến hành kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn trên đường Cienco 5 qua địa bàn quận Hà Đông.
Dừng kiểm tra xe ô tô BKS 30A-720.43 do anh Nguyễn Văn M. (SN 1987, ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà) điều khiển, cảnh sát xác định anh M. vi phạm mức 0,193 miligam/1 lít khí thở. Anh M. cho hay, do ngày Tết anh nghĩ CSGT không làm việc nên… vẫn uống vô tư rồi lái xe!
Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, Đội đã xử lý trên 20 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Rất nhiều người khi vi phạm bị xử lý đã năn nỉ tổ công tác cho qua, với lý do đầu năm xử phạt là “dông”; hoặc nghĩ CSGT đầu năm chưa ra đường làm nhiệm vụ nên cố tình vi phạm…
Thiếu tá Lê Văn Tiến, Phó đội trưởng Đội CSGT số 11 thông tin, dự đoán trước được tình hình, ngay từ ngày mùng 1 Tết, đơn vị tập trung xử lý đối với vi phạm nồng độ cồn chứ không có chuyện không ra đường làm nhiệm vụ như nhiều người vẫn nghĩ.
Tương tự, Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên, Đội phó Đội CSGT số 1 thông tin, không chỉ lập chốt trong dịp Tết để xử lý vi phạm, đơn vị còn lập 1 tổ công tác tiến hành tuần tra lưu động trên đường, khi phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghi vấn là dừng xe kiểm tra, đo nồng độ cồn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội khẳng định, việc xử phạt nghiêm cũng chính là để bảo vệ người dân. Đồng thời, không có chuyện lực lượng CSGT du di hay nương nhẹ dịp Tết. Trong 7 ngày Tết, CSGT Hà Nội đã xử lý 62 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Gia tăng người uống rượu bia lái xe ở miền Tây
Tại khu vực phía Nam, tình trạng uống rượu, bia trong những ngày Tết và “ngày mùng” sau Tết vẫn khá phổ biến. Đặc biệt ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… số người có nồng độ cồn khi lái xe tăng cao hơn năm trước đó.
Tại TP HCM, những ngày Tết và sau đó trên đường phố khá vắng CSGT. Dịp Tết, toàn bộ quán bar, karaoke và phần lớn quán nhậu đóng cửa. Tuy nhiên sau Tết, một số quán đã mở trở lại, thực khách nườm nượp, trong đó có nhiều người tự lái xe hơi, xe máy.
Theo Phòng CSGT Công an TP HCM, kỳ nghỉ Tết Tân Sửu trên địa bàn TP đã xảy ra 24 vụ TNGT, so với cùng kỳ giảm 5 vụ, có 5 người tử vong, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cộng có 33 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Một cán bộ Phòng CSGT cho biết, Tết năm nay, tình trạng người dân sử dụng rượu bia giảm khá nhiều so với Tết năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, ngoài việc sợ mức phạt nặng, năm nay nhiều người dân cũng ngại dịch bệnh nên hạn chế đi lại, đó cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người uống rượu bia lưu thông ra đường giảm hơn.
“Thống kê cho thấy tỉ lệ người dân tự lái xe sau khi uống rượu bia tại các nhà hàng, quán nhậu chiếm 68%, trong số đó có 40% say xỉn và vi phạm luật. Tuy nhiên, TNGT liên quan rượu bia tại TP đã giảm 30 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tường thông tin.
Trong khi đó, tại Tiền Giang, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, tình trạng uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn năm nay lại tăng cao, CSGT đã xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2020.
“Điều này cho thấy ý thức của một số người dân chưa cao, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt”, Thượng tá Dũng cho biết.
Thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Công An tỉnh Bến Tre cũng cho biết, dịp Tết vừa qua, CSGT toàn tỉnh đã xử lý 116 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng so với năm ngoái.
Thậm chí, tại Đồng Tháp, Thượng tá Thái Viết Vũ, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, trong 7 ngày Tết đã xử lý 176 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng tới 139% so với cùng kỳ năm 2020. “Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục xử lý nghiêm để lập lại trật tự”, Thượng tá Vũ khẳng định.
CSGT tập trung chống dịch nên mỏng lực lượng
Tại Đà Nẵng, ghi nhận của PV, những ngày sau Tết, các quán nhậu tấp nập người. Trước quán, hàng chục, thậm chí cả trăm xe máy dựng san sát. Sau những cuộc nhậu bí tỉ, nhiều người ung dung điều khiển phương tiện về nhà.
Thống kê của Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho hay, dịp Tết, lực lượng CSGT toàn thành phố đã phát hiện 217 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 29 ô tô và 188 xe máy.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, trong dịp Tết, lực lượng CSGT tập trung vào công tác chống dịch, phân bổ lực lượng tại các chốt để điều hòa giao thông… nên hạn chế lập chốt chuyên kiểm tra nồng độ cồn.
“Khi lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện các trường hợp có biểu hiện say xỉn mới dừng xe đo nồng độ cồn để đảm bảo an toàn. Sau Tết, lực lượng triển khai kiểm tra nồng độ cồn bình thường”, Đại tá Truyền cho hay.
Chia sẻ về khó khăn trong xử lý nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Phòng CSGT Công Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, do dịp này toàn tỉnh đang huy động lực lượng cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, cán bộ chiến sỹ đều đã được phân công trực tại các chốt phòng dịch.
Do vậy, công tác kiểm tra nồng độ trong và sau Tết Nguyên đán dù vẫn được duy trì nhưng không đạt hiệu quả cao do lực lượng mỏng, không khép kín được địa bàn. Qua đó, toàn tỉnh mới chỉ xử lý được 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trước việc vi phạm có dấu hiệu tăng trở lại, đơn vị sẽ chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát trong thời gian tới.
Tại Quyên Quang, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, năm nay, do làm tốt công tác tuyên truyền, người dân có ý thức tốt nên không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn. Nhờ đó, toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ TNGT làm 3 người bị thương (tương đương với Tết Nguyên đán năm 2020).
Thượng tá Đỗ Văn Hạnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, ngay ngày mùng 1 Tết vừa qua, Phòng CSGT vẫn triển khai các tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ.
Hơn 1.800 “ma men” lái xe bị xử phạt
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ khi thực hiện Nghị định số 100, lực lượng CSGT toàn quốc đã đẩy mạnh xử lý vi phạm nồng độ cồn, không du di, nương nhẹ, kể cả dịp lễ, Tết. Việc xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, góp phần làm thay đổi văn hóa giao thông.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, thực hiện năm ATGT 2021, Bộ Công an, Cục CSGT đã có kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT rõ ràng, trong đó sẽ đẩy mạnh kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an) trong 7 ngày Tết Tân Sửu (từ ngày 10-16/2), lực lượng CSGT cả nước đã lập biên bản 1.879 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn trong đó có cả ô tô và xe máy (dịp Tết Canh Tý, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện xử lý 3.194 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn).
V.Huế
Tăng số ca cấp cứu TNGT liên quan rượu bia
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Phạm Vũ Hùng, Q. Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong 6 ngày Tết, tổng số bệnh nhân bị tai nạn nói chung nhập viện là 665 ca, giảm hơn so với năm 2020 là 103 ca; trong đó số bệnh nhân TNGT giảm 25 ca nhưng số bệnh nhân TNGT có sử dụng rượu bia lại tăng với 49 ca so với năm 2020 là 35 ca.
Ông Hùng cho biết, có ngày chỉ trong buổi sáng, có hơn 80% ca bệnh TNGT chuyển tuyến lên BV Việt Đức có ghi nhận sử dụng rượu bia trước đó.
Theo ghi nhận của PV, trong ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, tại khoa Cấp cứu, BV Việt Đức, nhiều bệnh nhân TNGT đang cấp cứu tại đây có nguyên nhân từ rượu bia, tự gây tai nạn cho chính mình. Điển hình như nam thanh niên 21 tuổi (trú tại Tuyên Quang).
Theo người nhà bệnh nhân, tai nạn xảy ra sau khi nam thanh niên này uống rượu chúc Tết và tự ngã trên đường. Còn trường hợp khác là người đàn ông trung niên (trú tại Lạng Sơn) bị tai nạn xe máy ở Thanh Hóa.
Đây cũng là ca bệnh này tự ngã khi điều khiển xe máy sau khi uống rượu với bạn bè. Bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên trong tình trạng sốc suy đa tạng với tiên liệu dè dặt và nguy cơ tử vong cao.
Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, trong dịp Tết Tân Sửu , ghi nhận các cơ sở y tế đã khám, cấp cứu cho 29.650 trường hợp liên quan đến TNGT, giảm 2,8% so với cùng kỳ Tết Canh Tý (chiếm 10,4% trong tổng số khám, cấp cứu chung).
Trong đó 12.401 trường hợp phải nhập viện điều trị theo dõi, chiếm 41,8% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến TNGT, tăng 7,9% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu.
U.Vũ