Những ngày qua, số ca F0 trong cộng đồng tại một số tỉnh miền Tây tăng nhanh. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đã nâng cấp độ dịch, siết lại hoạt động vận tải.
TP Cần Thơ chuyển màu cấp độ dịch, siết chặt hoạt động vận tải hành khách
Tại Cần Thơ, từ 0h ngày 11/11, thành phố nâng cấp độ dịch từ cấp 2 (vùng vàng) lên cấp 3 (vùng cam).
Theo đó, cùng thời gian này, Sở GTVT TP Cần Thơ cũng yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên chỉ được phép hoạt động không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện.
Còn các tuyến vận tải hành khách đường bộ cố định liên tỉnh được phép hoạt động đi đến 14 địa phương và ngược lại với lưu lượng khai thác không quá 50% số chuyến đã được công bố.
Đó là các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Cà Mau, Lâm Đồng, Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Tiền Giang và TP.HCM.
Đối với vận tải hành khách đường thủy, Sở này cũng yêu cầu hoạt động không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện.
Liên quan đến việc kiểm soát người dân ra vào Cần Thơ, chiều 10/11, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, thành phố cho triển khai 3 chốt khai báo y tế ở cửa ngõ ra vào.
“Khi người dân đến thì ghé vào và tự khai báo. Theo quy định, những người đã tiêm được 2 mũi, 1 mũi thì tùy theo điều kiện và nhóm đối tượng, mình cho họ về tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà.
Người chưa tiêm thì đề nghị cách ly tập trung theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn việc xét nghiệm Covid-19 thực hiện theo yêu cầu của người dân, khi thấy vấn đề sức khỏe cần thì xét nghiệm”, ông Giang nói.
Còn tại Vĩnh Long, thông tin từ Sở GTVT, TP Vĩnh Long có 2 bến xe khách gồm: Bến xe khách Vĩnh Long và Bến xe khách TP Vĩnh Long.
Bến xe khách TP Vĩnh Long nằm tại khu vực cấp 4 nên đã cho ngưng hoạt động.
“Địa phương đã có hướng dẫn và cho hoạt động lại các tuyến vận tải, tuy nhiên đến nay thì chỉ có tuyến Vĩnh Long – TP.HCM là hoạt động lại với tần suất 6 chuyến/ngày với 3 doanh nghiệp vận tải hành khách. Lý do là các doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch phòng chống dịch đáp ứng.
Trong vài ngày tới, phòng chức năng của Sở sẽ kiểm tra tra lại, nếu đáp ứng thì sẽ công bố cho hoạt động lại”, đại diện Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Về vấn đề di chuyển của người dân, Sở GTVT cho hay, hiện vẫn đang áp dụng theo văn bản hướng dẫn số 4506 của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long.
Cụ thể, người đi, đến từ vùng cấp 1, 2, trường hợp tiêm đủ 2 liều vaccine, khỏi bệnh 6 tháng phải thực hiện khai báo y tế, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định.
Người tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm bên cạnh việc thực hiện khai báo y tế, phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày.
Còn người trở về từ vùng cấp 3 và 4, với người đã được tiêm đủ liều, người khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thực hiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Người tiêm 1 liều vaccine, thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 3 lần. Trường hợp chưa tiêm vaccine, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 4 lần. Sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo.
Tại An Giang, từ ngày 6/11, địa phương này áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính ở cấp độ dịch 3 (màu cam).
Theo đó, địa phương này cho tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa sau hơn nửa tháng hoạt động trở lại.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động, với điều kiện lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc xếp, dỡ hàng hóa đi theo xe đã được tiêm vaccine ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng.
Cạnh đó, thực hiện xét nghiệm để kiểm tra, tầm soát đối với các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những trường hợp đi về từ các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa bàn dịch thuộc cấp độ 4, vùng cách ly, phong tỏa.