Hôm nay (26/1 tức mùng 5 Tết) là ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, người dân từ các địa phương sẽ quay trở lại thành phố để bắt đầu làm việc từ ngày mai, dự báo mật độ giao thông tăng cao.
Dự báo nhiều tuyến đường vào cửa ngõ các thành phố có thể xảy ra ùn tắc cục bộ trong ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (Ảnh minh họa)
Kỷ lục hơn 900 chuyến bay cất, hạ cánh trong 24 giờ ở Tân Sơn Nhất
Ngày 26/1, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, lượng hành khách khai thác trong ngày tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất dự kiến đạt 144.871 người.
Đây là tin vui của ngành hàng không sau liên tục 2 mùa cao điểm Tết trước đó sụt giảm sản lượng.
Trong khi hành khách bay quốc tế vẫn duy trì xung quanh mốc 35.000 người cả đi và đến thì hành khách quốc nội vẫn trên đà tăng trưởng, liên tiếp phá kỷ lục.
Ngày nghỉ lễ cuối cùng của Tết Quý Mão 2023, có hơn 71.000 hành khách từ các tỉnh thành trở lại TP.HCM.
Lượng hành khách quốc nội bay đi từ Tân Sơn Nhất cũng đạt gần 38.000 người, kéo tổng lượng hành khách quốc nội cả đi và đến đạt gần 109.000 người.
Riêng số lượng khách quốc nội trong ngày còn lớn hơn cả tổng số lượng hành khách quốc nội và quốc tế cộng lại của một số cao điểm ngày lễ cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, chỉ từ nửa đêm ngày 25 đến 2h sáng ngày 26/1 đã có hơn 7.000 người đáp chuyến bay sớm xuống Tân Sơn Nhất.
Đại diện các hãng bay cho biết, cao điểm đông khách từ 18h đến 23h cùng ngày, sân bay sẽ đón gần 40.000 khách.
Trong ngày, có tổng cộng 913 chuyến bay cất/hạ cánh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Tính bình quân cứ 1,5 phút sẽ có một chuyến bay cất/hạ cánh.
Với mật độ này, người dân tại các quận gần sân bay như Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân sẽ gặp cảnh cứ ngẩng đầu lại thấy máy bay.
“Mặc dù đạt con số kỷ lục về khai thác nhưng đối với một sân bay đã quá tải công suất, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bộ phận quản lý vận hành, đặc biệt là sự nhịp nhàng của các đơn vị phục vụ mặt đất.
Rất may mắn là mọi thứ vẫn luôn trong tầm kiểm soát”, một cán bộ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất chia sẻ với Báo Giao thông.
Hành khách ùn ùn trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Hành khách quốc nội bắt đầu trở lại TP.HCM từ cuối ngày 25, rạng sáng ngày 26/1.
Khu vực băng chuyền hành lý luôn đông hành khách do nhiều chuyến bay đáp xuống liên tục.
Hành khách quốc nội trong ngày 26/1 đạt hơn 70.000 người, phá kỷ lục khai thác tại Tân Sơn Nhất.
Sảnh nhà ga quốc nội đến, nhìn từ làn đón xe taxi.
Người dân trở lại thành phố với nhiều vali hành lý lớn.
Du khách nước ngoài cũng trở lại TP.HCM trên các chuyến bay quốc nội sau những ngày tham quan ở nhiều tỉnh thành khác.
Cứ vài phút lại có máy bay hạ cánh, lượng hành khách đông chưa từng có.
Trước Tết, sân bay tràn ngập hình ảnh các thùng xốp đựng quà thành phố về quê, và bây giờ là thùng quà quê theo các chuyến bay trở lại.
Người miền Tây rời quê trở lại TP.HCM, QL1 đông đúc từ sớm
Sáng mùng 5 Tết, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên tuyến QL1 vẫn khá đông đúc xe cộ.
Dòng xe tập trung chủ yếu theo hướng từ miền Tây lên TP.HCM… Trong khi đó, hướng ngược lại khá thông thoáng.
Trước đó, trong ngày 25/1 (mồng 4 Tết), trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, QL1, 30, 80, 57… hướng từ miền Tây đi TP.HCM, dòng người đông nghịt đã bắt đầu rời quê đến TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… để chuẩn bị làm việc.
Tại cầu Cần Thơ, chiều 25/1 có đến hàng nghìn phương tiện xe máy, ô tô… nối đuôi nhau lưu thông theo hướng Cần Thơ – TP.HCM. Chiều ngược lại thì phương tiện thưa thớt hơn.
Còn tại QL57, đoạn nối 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long hướng đi TP.HCM, lượng phương tiện cũng đông dần lên.
Bán hàng rong ngang nhiên dừng đỗ trên cầu Cần Thơ để chào mời người đi xe máy, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Theo ông Lê Hoàng Thông, Bến trưởng bến phà Đình Khao, trong sáng và chiều 25/1, do lượng phương tiện tăng đột biến, tại khu vực bến phà có xảy ra tình trạng ùn xe cục bộ. Nhưng do có bước chuẩn bị nên không bị động.
Cũng theo ông Thông, hiện đơn vị đã huy động 5 chiếc phà (có trọng tải 100 – 200 tấn) phục vụ an toàn nhu cầu đi lại của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán…
Là người dân tỉnh Cà Mau, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Đại và chị Lê Thị Nhàn (cùng 30 tuổi) cho biết, nhằm tránh tình trạng kẹt xe như mọi năm, từ sáng sớm vợ chồng anh đã chuẩn bị xong hành lý để chở nhau bằng xe máy đến tỉnh Bình Dương để chuẩn bị tiếp tục công việc. Họ đều là công nhân.
“Năm nay, ở quê nhà, chúng tôi đón Tết cũng khá đơn giản, chủ yếu là đoàn viên gia đình, về thăm quê mấy ngày là đủ.
Nay đã xem như hết Tết rồi, vợ chồng tôi phải vượt quãng đường dài hơn 300km nên quyết định rời quê sớm hơn dự định để đến Bình Dương có thời gian nghỉ ngơi, lấy năng lượng, sẵn sàng cho công việc mưu sinh đầu năm mới”, chị Nhàn chia sẻ.
Dừng lại nghỉ ngơi tại một quán nước bên đường, anh Lê Gia Minh (29 tuổi, quê Bạc Liêu) chia sẻ, anh làm công nhân tại một công ty trong khu công nghiệp ở Đồng Nai.
Anh về quê đón Tết cùng ba mẹ hôm 29 Tết, nay phải tranh thủ lên sớm để tránh kẹt xe.
“Những năm trước đến mùng 6 Tết tôi mới đi, nhưng có khi chạy xe cả ngày mới đến được trên đó do lượng xe lên quá nhiều, không tránh khỏi tình trạng kẹt xe cục bộ…
Giờ thì nghỉ ngơi một chút để lấy sức sẵn sàng cho chặng đường dài hàng trăm km đến Đồng Nai để tiếp tục công việc, mưu sinh”.
Tại cầu Cần Thơ, mặc dù phương tiện xe lưu thông đông đúc, thế nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên dừng xe ngắm cảnh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Chiều 25/1, thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng CSGT – Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, lượng phương tiện ô tô, xe khách, xe máy… đã tăng đột biến, do người dân ở các tỉnh miền Tây bắt đầu rời quê đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông để làm việc.
Tuy nhiên, tại nút giao trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và QL1 (đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang) hướng từ miền Tây đi TP.HCM cơ bản đảm bảo an toàn.
Dù có thời điểm xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ, nhưng lực lượng CSGT đã túc trực xuyên suốt tại các “điểm nóng” để điều tiết giao thông.
Cửa ngõ Hà Nội ùn tắc từ chiều mùng 4 Tết
Dù kỳ nghỉ Tết chưa kết thúc, nhưng từ chiều 25/1 (tức mùng 4 Tết), nhiều tuyến đường quốc lộ, cao tốc đã đông đúc, ùn tắc nhẹ.
Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết ngày mùng 4 Tết, tại các tuyến đường dẫn vào cửa ngõ TP Hà Nội, TP.HCM, mật độ phương tiện tăng cao, di chuyển chậm, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông đúng nội quy các phương án nên tình hình ùn ứ giao thông trên các tuyến đường nhanh chóng được giải quyết và trở lại ổn định, bình thường.
Từ 14h ngày 25/1 (chiều mùng 4 Tết), hàng trăm ô tô, xe máy đổ về quốc lộ 21A khiến đoạn qua Phủ Lý (Hà Nam) hướng vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ùn tắc nhẹ khoảng 2 km.
Cũng thời điểm này, lưu lượng phương tiện từ các tỉnh về Hà Nội qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tăng cao. Đặc biệt, tại lối ra cao tốc đoạn giao cắt đường Vành đai 3 trên cao, các phương tiện xếp hàng dài và di chuyển với tốc độ chậm.
Tại nhiều điểm khác trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra như đoạn qua nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) ùn tới 4km. Ôtô nhích từng chút.
Riêng khu vực qua trạm thu phí Liêm Tuyền ùn khoảng 3km, các phương tiện xếp thành 5 hàng trên 3 làn của cao tốc. Những đoạn khác, phương tiện chỉ di chuyển với tốc độ 60km/h, trong khi tốc độ tối đa cho phép là 100km/h.
77 người chết, 96 người bị thương vì tai nạn giao thông trong 6 ngày nghỉ Tết
Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong ngày mùng 4 Tết Quý Mão 2023 (ngày 25-1), cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, làm 19 người bị thương.
Như vậy, sau 6 ngày nghỉ Tết (từ ngày 20 đến 25-1), cả nước xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 77 người và 96 người bị thương. So với cùng kỳ 6 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tai nạn giao thông giảm 10 vụ, giảm 6 người chết nhưng tăng 10 người bị thương.