Nguy cơ mất an toàn giao thông trên con đường di sản
Tuyến đường Yên Tử – Hồ Thiên – Ngọa Vân ở tỉnh Quảng Ninh (thường được gọi là con đường di sản) kết nối Khu di tích lịch sử – danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) và Khu lăng mộ nhà Trần (TX Đông Triều) đang xuất hiện nhiều điểm sạt trượt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Những tảng đá khổng lồ nằm chênh vênh trên taluy thường trực nguy cơ lăn xuống đường.
Những ngày trung tuần tháng 8, PV Báo Giao thông ghi nhận, trên con đường di sản có nhiều điểm sạt trượt nằm ở địa bàn xã Bình Khê và xã Tràng Lương thuộc TX Đông Triều.
Điển hình, đoạn đi qua thôn Phú Ninh, thôn Tây Sơn (xã Bình Khê) có những điểm sạt lở với khối lượng lớn đất, đá ụp xuống đường. Trên mái taluy vẫn còn những tảng đá to hàng mét khối đã rỗng chân, nguy cơ đổ xuống phía dưới.
Tại vị trí Km24+350 đến Km24+650 thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Tràng Lương và Bình Khê, hệ thống thoát nước bị xói lở, nứt vỡ; hệ thống cống ngang đường bị vùi lấp, mất công năng thoát nước. Phía trên vị trí này là bãi thải mỏ khổng lồ của Công ty 91 thuộc Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Quốc phòng. Đây là điểm thường xuyên bị đất đá sạt xuống đường mỗi khi mưa lớn.
Một điểm đất, đá trên mái taluy dương thường trực ụp xuống người đi đường.
Trước hiểm nguy rình rập, nhiều tài xế ô tô, xe máy khi đi qua các điểm sạt lở đều phải vội vã phóng với tốc độ cao để vượt qua nhanh.
Anh Tạ Văn Ph (ở xã Tràng Lương, TX Đông Triều) cho biết, anh thường xuyên điều khiển ô tô sang khu vực chùa Ngọa Vân, nên rất lo lắng khi qua những điểm sạt lở này.
“Không ít lần mưa to, xe của em vừa vượt qua thì đất đá từ trên đồi ập xuống. Ngoảnh lại thì thấy có những tảng đá lớn văng ra giữa đường”, anh Ph kể.
Đất đá từ khu vực được giao cho Tổng công ty Đông Bắc quản lý, bảo vệ thường xuyên sạt lở xuống con đường di sản mỗi khi có mưa lớn.
Theo người dân địa phương, do hệ thống cống ngang đường ở khu vực này quá hẹp, khối bãi thải ở thượng nguồn rất lớn, hệ thống cây xanh được trồng thưa thớt, còi cọc… Vì thế, mỗi khi có mưa lớn, đất đá từ trên cao dồn về đã cuốn băng hệ thống rọ đá rồi tràn xuống mặt đường.
Cần giải pháp dứt điểm
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án con đường di sản được triển khai từ tháng 9/2013, gồm hai tuyến đường: tuyến một đấu nối từ Trung tâm TP Uông Bí vào Khu di tích Yên Tử với chiều dài 9,48km và tuyến hai nối từ ngã tư Năm Mẫu, thuộc Khu di tích Yên Tử đến bãi đỗ xe chùa Hồ Thiên, TP Đông Triều với tổng chiều dài 18,8km, tổng đầu tư trên 640 tỷ đồng.
Sau hai năm triển khai thi công, tuyến hai của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước kế hoạch một năm.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh, việc thiết kế tuyến đường được tính toán khoa học, thi công đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lưu lượng mưa lớn, nên đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở phức tạp, nhất là ở khu vực xẻ núi, cắt đồi có mái taluy cao, đất đá lại rời rạc, bị phong hóa…
Sở GTVT Quảng Ninh đã nhiều lần chủ động khắc phục sạt trượt trên tuyến với tổng kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn năm 2023, một số điểm lại xuất hiện sạt lở, nên ngành GTVT Quảng Ninh đã báo cáo UBND tỉnh để triển khai phương án khắc phục, hiện phương án đang chờ phê duyệt.
Một vị trí thuộc thẩm quyền xử lý của TX Đông Triều thi công dang dở nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến tuyến đường.
Theo quy định, trách nhiệm về duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này là của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, thẩm quyền, trách nhiệm của ngành giao thông chỉ là 5-10m tính từ mép đường trở ra.
Trong khi đó, một số điểm bị sạt trượt, ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến thuộc thẩm quyền của UBND TX Đông Triều xử lý, như vị trí thuộc địa phận xã Bình Khê, đến giờ vẫn thi công dang dở, dẫn tới tình trạng đất đá sạt xuống đường mỗi khi mưa lớn.
Vị trí bãi thải tiếp giáp tuyến từ Km24+350 đến Km24+650 đang bị đất, đá vùi lấp gây hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ ách tắc cục bộ như hiện nay đã được giao cho Công ty 91 quản lý, bảo vệ. Vì thế, trách nhiệm đôn đốc, xử lý thuộc TX Đông Triều và Tổng công ty Đông Bắc.
UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở GTVT Quảng Ninh đã có những văn bản đề nghị Tổng công ty Đông Bắc thực hiện các biện pháp khắc phục, cải tạo cảnh quan môi trường khu vực dự án; nâng cấp, mở rộng đường lâm nghiệp thành đường công vụ vận chuyển vật liệu xây dựng chùa Hồ Thiên; chủ động rà soát hiện trường, trồng dặm cây xanh để phủ kín toàn khu vực…
Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần nạo vét, khắc phục tạm thời, khối đất đá thải phía trên vẫn quá nhiều, hệ thống cây xanh do Tổng công ty Đông Bắc trồng thưa thớt, sinh trưởng chậm, nên cứ mỗi khi mưa lớn là kết cấu cống, mặt đường ở khu vực này lại bị vùi lấp, hư hỏng như hiện nay…
>>> Clip: Toàn cảnh khu vực tài nguyên do Tổng công ty Đông Bắc được giao quản lý nằm cạnh con đường di sản.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Tổng công ty Đông Bắc cho biết: Khu vực này trước đây vốn xảy ra tình trạng khai thác than trái phép phức tạp. Vì thế, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền giao quản lý khai trường, tài nguyên, ranh giới mỏ khu vực này.
“Từ khi đơn vị quản lý, khu vực này không còn nạn khai thác than trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn than xít từ việc khai thác trái phép để lại, nhưng đơn vị không được khai thác, tận thu. Việc khắc phục sạt lở tại vị trí này sẽ khó giải quyết được triệt để nếu như khối than xít, đất đá quanh khu vực không được tận thu, xúc dọn hợp lý”, vị này cho hay.
PV Báo Giao thông cũng liên lạc với lãnh đạo UBND TX Đông Triều để nắm bắt thêm thông tin về tiến độ xử lý một số điểm sạt lở ở địa bàn xã Bình Khê thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng không nhận được hồi âm.