Kỳ 1: CSGT cắm chốt, xe cơi nới thành thùng qua như chốn không người
Kỳ 2: Nghịch lý xe quá tải hoành hành, trạm cân tê liệt
Hệ thống trạm cân tải trọng xe lưu động từng được xem là “công cụ” hữu hiệu giúp kéo giảm xe quá khổ, quá tải xuống còn 10%, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nay gần như bị vô hiệu hóa.
Trạm cân im lìm trên QL37 Đại Từ – Thái Nguyên
Những trạm cân im lìm
Từ năm 2013, 63 tỉnh, thành phố đã được trang bị trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Lực lượng làm việc tại trạm cân có sự phối hợp liên ngành giữa ngành GTVT và công an.
Hầu như xe chạy trên các tuyến đường đều bị kiểm tra tải trọng. Chỉ trong vòng 3 năm, xe quá tải từ phổ biến đã giảm xuống còn trên dưới 10%.
Giữa năm 2016, sau khi xe quá tải đã giảm, hai ngành thống nhất dừng Kế hoạch phối hợp 12593 và thực hiện kiểm soát tải trọng xe theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. CSGT tập trung xử lý xe quá tải trên đường. TTGT kiểm soát xe quá tải ở đầu mối hàng hóa bằng trạm cân lưu động.
“
Theo Nghị định 158, tất cả các đầu mối hàng hóa phải có cân tải trọng và phải được cân trước khi cho xe tham giao giao thông. Tuy vậy, cũng chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu mỏ có cân, có mà không thực hiện và ai là người xử lý cũng chưa rõ. Bên cạnh đó, đã có bao nhiêu chủ mỏ, đầu mối hàng hóa vi phạm bị xử phạt. Số liệu CSGT truy ngược các trường hợp xử phạt người xếp hàng không đúng quy định cũng chưa được thực hiện. Nếu làm nghiêm, làm chặt ngay từ khâu này, xe quá tải ra đường sẽ giảm rất nhiều.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
”
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện xe quá tải bùng phát trở lại như Báo Giao thông đã phản ánh ở số báo ra ngày (17/5). Câu hỏi “những trạm cân đang làm gì?” cũng vì thế được đặt ra.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam thừa nhận xe cơi nới thành thùng, chở quá tải đang gia tăng trở lại trên nhiều tuyến đường có mỏ vật liệu như đường tránh TP Phủ Lý, ĐT494C, ĐT495C, QL21B.
“Khi Kế hoạch 12593 kết thúc, những bất cập trong việc kiểm soát xe quá tải dần xuất hiện. Cụ thể, nếu chúng tôi đặt trạm cân ở vị trí này, thì lái xe sẽ “né” sang đường khác để tránh. Trạm không thể đặt trước mỏ doanh nghiệp được, phải đặt ở chỗ bằng phẳng, đảm bảo ATGT. Hơn nữa, muốn dừng phương tiện phải có CSGT chứ TTGT không có chức năng dừng xe”, ông Tuyển chia sẻ.
Tương tự, tại Vĩnh Phúc, theo ghi nhận của Báo Giao thông, các đoàn xe trọng tải lớn, cơi nới thành thùng, chở hàng có ngọn ngang nhiên lưu thông trên QL2, 2C và tuyến tránh TP Vĩnh Yên.
Trên QL2C, từng đoàn xe BKS: 20L-8995, 14N-1905, 88C-051.41, 30K-4324, 88C-125.53, 88H-006.17, 88C-051.41 chạy rầm rập cả ngày lẫn đêm qua cổng Công an huyện Tam Dương nhưng không thấy lực lượng chức năng nào kiểm tra xử lý.
Thừa nhận thực trạng này, song một cán bộ Công an huyện Tam Dương cho hay “không được phép kiểm tra, xử lý do tuyến đường (QL2C) được phân cấp cho Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Lực lượng chức năng cấp huyện không được phép dừng xe kiểm tra.
Phía TTGT tỉnh Vĩnh Phúc cho hay đơn vị vẫn duy trì trạm cân trải trọng xe lưu động nhưng do không đủ biên chế hoạt động thường xuyên, liên tục trên các tuyến đường nên hiệu quả đem lại chưa cao.
“Chúng tôi đã tham mưu Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSGT lập kế hoạch phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trên quốc lộ. Tuy nhiên, đến nay Phòng CSGT và Công an tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa có hồi âm”, đại diện TTGT Vĩnh Phúc thông tin.
Cùng chung khó khăn, ông Nguyễn Kiều Huân, Chánh thanh tra Sở GTVT Bắc Kạn cho hay “tính cả 2 lái xe thì TTGT Bắc Kạn chỉ có 17 người, phải quản lý hơn 1.000km. Do vậy, dù được giao quản lý trạm cân lưu động nhưng cũng đành bỏ không 1 chỗ, không sử dụng đến”.
Tương tự, trạm kiểm soát tải trọng xe số 1 Hải Dương đặt ngay trên QL5 sát trụ sở của Đội TTGT Hải Dương cũng im lìm bấy lâu nay.
Đại diện lãnh đạo Đội TTGT Hải Dương chia sẻ: Khá lâu rồi trạm cân này không hoạt động, lý do là QL5 thuộc địa bàn quản lý của Cục Quản lý đường bộ 1, chưa ủy thác cho địa phương nên TTGT không thể tự ý ra QL5 để kiểm soát, vận hành trạm cân. Hiện tại, trạm này cũng… không có cân.
Muốn cân tải trọng thì phải có kế hoạch phối hợp giữa Sở GTVT Hải Dương và Cục Quản lý đường bộ 1.
Nêu hàng loạt khó khăn trong công tác quản lý tải trọng trên địa bàn Hải Phòng, ông Hoàng Tiến Nam, Chánh thanh tra Sở GTVT nói: TTGT Hải Phòng có 8 đội nhưng chỉ có 5 xe ô tô. Điều này đồng nghĩa với việc thường xuyên có 3 đội không thể đi làm vì thiếu phương tiện. Chưa kể, đơn vị này cũng chỉ có 2 hệ thống cân tải trọng do nhiều cân đã hỏng, phải thanh lý. Từ năm 2014 đến nay, lực lượng TTGT đã đề xuất trang bị cân mới cho đơn vị nhưng tới nay vẫn chưa được trang cấp.
Tình trạng cũng không khá hơn ở khu vực phía Nam khi theo tìm hiểu của PV, TTGT Đội 5 (TP.HCM) được trang bị 2 trạm cân cố định.
Tuy nhiên, gần 3 năm qua, trạm cân Giồng Ông Tố đặt trên đường Đồng Văn Cống (quận 2 cũ) phải ngưng hoạt động. Còn trạm cân cầu Kỳ Hà gần nửa năm nay cũng “đắp chiếu” vì hỏng hóc. Trong khi đó, tại quận 9 cũ, chỉ có Đội CSGT quận được trang bị 2 cân xách tay.
Ông Lê Tấn Lực, Phó đội trưởng Đội TTGT số 5 cho biết, nhiều năm qua, các cân tải trọng xách tay mà đội TTGT số 5 được trang bị hầu như không còn sử dụng được.
Để kiểm tra tải trọng xe có dấu hiệu quá tải, TTGT Đội 5 phải phối hợp với CSGT quận 9 hoặc đưa các phương tiện đi cân tại các trạm cân tư nhân. Tuy nhiên, để kiểm tra được 1 phương tiện, có khi phải mất cả buổi vì chủ xe, tài xế thiếu hợp tác hay phải di chuyển đường xa, gặp cảnh tắc đường.
Xin trả lại trạm cân(?!)
Sau khi liên ngành CSGT và TTGT đặt trạm cân tải trọng xe trên TL506 Thanh Hóa thì hầu hết các phương tiện không qua lại trên tuyến đường này. Ảnh: Phúc Tuấn
Lý giải cho thực trạng trên, ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) phân tích: Khi lực lượng công an rút khỏi các trạm cân lưu động, quá thiếu nhân sự. Nhiều tỉnh, thành đã dừng kiểm soát tải trọng xe bằng trạm cân lưu động.
TTGT của các sở GTVT cũng không được kiểm soát trên các tuyến đường không được ủy thác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tuyến quốc lộ của Trung ương gần như bị bỏ trống, xe quá tải mặc sức tung hoành.
Đến đầu năm 2017, xe quá tải bắt đầu bùng phát trở lại trên nhiều tuyến đường. Đây chính là mặt trái của việc phân vai nhiệm vụ giữa hai ngành.
“63 tỉnh, thành phố có trạm cân lưu động nhưng hiện chỉ có 1/3 còn hoạt động. Kể cả có hoạt động nhưng cũng không thường xuyên, thời gian hoạt động ít do thiếu nhân lực. Thêm nữa, Thanh tra sở GTVT chỉ được kiểm tra trên đường địa phương nên tỷ lệ xe bị kiểm tra rất thấp”, ông Chung cho biết và khẳng định: Không phải các sở GTVT không muốn xử lý xe quá tải. Cái khó của họ là thiếu lực lượng và bị vướng về pháp lý. Thực tế này khiến nhiều sở GTVT xin trả lại trạm cân lưu động.
Thay cân lưu động bằng cân tự động
Phía Tổng cục Đường bộ VN, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho hay, để khắc phục những hạn chế của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, Tổng cục Đường bộ VN đã trình Bộ GTVT đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên phạm vi toàn quốc.
Đây là hệ thống cân tự động đầu tiên của Việt Nam, hệ thống này có những ưu điểm như kiểm soát được 100% xe lưu thông trên đường với tốc độ xe lưu thông qua bàn cân từ 0 – 100km/h.
Hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động do Jica tài trợ đã được thử nghiệm thành công trên QL5. Quá trình thử nghiệm cho thấy hệ thống có độ chính xác cao, ít hư hỏng, chịu được tác động của môi trường và tác động tải trọng phương tiện.
Hiệu quả đạt được lớn nhất là số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần, từ 6,9% xuống còn 0,14%.
Về hiệu quả kinh tế, giảm khoảng 70% tổng mức đầu tư, lắp đặt cho 1 trạm kiểm tra tải trọng xe tự động so với trạm kiểm tra tải trọng xe cố định trước đây; giảm chi phí cho việc quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt vi phạm, giảm nhân sự vận hành, khai thác và xử phạt vi phạm.
Hệ thống này có nhiều ưu điểm, trong đó con người không thể can thiệp vào quá trình cân kiểm tra, xử phạt, giúp loại bỏ tiêu cực.
Dữ liệu các xe vi phạm được truyền về phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục, đơn vị quản lý, vận hành trích xuất và chuyển kết quả cân đối với những xe vi phạm cho lực lượng chức năng “phạt nguội” vi phạm.
Việc xử phạt theo hình thức này giải quyết được vấn đề là nhân viên vận hành cân và lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt không trực tiếp ra đường để dừng xe, kiểm tra và xử phạt vi phạm, tránh được tiếp xúc và va chạm với người vi phạm.
“Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Tổng cục Đường bộ VN sẽ ưu tiên các đường cao tốc đang xây dựng như tuyến cao tốc Bắc – Nam, các tuyến cao tốc có nhiều xe quá tải. Bên cạnh đó, các đoạn quốc lộ trọng điểm có nhiều xe tải lưu thông và các đoạn quốc lộ còn lại, đường cao tốc mới và các đoạn đường bộ nối khu vực cảng, kho bãi, mỏ vật liệu, mỏ quặng”, ông Huyện cho hay.