Ngăn tài xế nghiện gây họa cách nào?

  • Blog
  • Ngăn tài xế nghiện gây họa cách nào?
Ngăn tài xế nghiện gây họa cách nào?

[ad_1]

Việc phát hiện hàng chục tài xế dương tính với ma tuý chỉ trong thời gian ngắn khiến nhiều người không khỏi giật mình. Nếu không sớm ngăn chặn, những vụ tai nạn đau lòng có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Ngăn tài xế nghiện gây họa cách nào? 1

Qua kiểm tra bằng phương pháp test nhanh, tổ công tác Cục CSGT phát hiện nam tài xế dương tính với ma túy trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ngày 5/3

Hàng loạt tài xế dương tính ma tuý

Chỉ trong vòng 40 phút sáng 6/3, trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Tổ công tác của Cục CSGT đã phát hiện 2 tài xế dương tính với ma túy, sau khi dừng xe kiểm tra và test nhanh.

Trong số này, lái xe tải BKS 29C-903.92 là anh N.T.T (SN 1988, trú tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội) thừa nhận trước đó đã sử dụng hai loại ma túy methamphetamin (ma tuý đá) và ma tuý nhóm MDMA (thuốc lắc).

Còn lái xe BKS 20A-128.29 là anh T.Q.C (SN 1977, trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) thừa nhận đã cùng bạn bè uống rượu 138 (rượu có chứa hoa, quả cây thuốc phiện).

Tại Yên Bái, chỉ sau 10 ngày ra quân, lực lượng CSGT Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện 7 trường hợp lái xe dương tính với chất ma tuý.

Tại Thanh Hoá, Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT Thanh Hoá chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với chất ma tuý. Tuy nhiên, công tác này được Phòng thường xuyên quán triệt tới các cán bộ chiến sĩ.

“Việc sử dụng rượu bia, chất kích thích hay ma tuý khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất nguy hiểm, cần phát hiện và ngăn chặn xử lý sớm tránh gây hậu quả khôn lường”, Đại tá Chiến nói và cho hay đang đợi kế hoạch tổng thể từ Cục CSGT để triển khai.

Tương tự, đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, lực lượng CSGT TP thời gian qua rất chú trọng phát hiện, xử lý các tài xế sử dụng ma tuý. Từ đầu năm đến nay, các Đội, Trạm thuộc Phòng đã xử lý nhiều trường hợp.

Đáng chú ý, trong số 31 trường hợp dương tính với ma tuý mà lực lượng CSGT cả nước phát hiện trong 1 tuần (từ ngày 1/3 đến hết ngày 7/3), có 14 trường hợp phát hiện trên cao tốc, trong đó có nhiều tài xế đã sử dụng ma tuý chạy xe đường dài, tốc độ cao rất nguy hiểm.

Các tài xế dương tính với ma tuý đều nêu nhiều lý do, người nói do đi ăn uống, hát karaoke cùng bạn bè, “uống say nên bị bạn bè cho sử dụng chất kích thích nào đó”; người thì bảo “do uống thuốc tân dược chữa bệnh”…

Thậm chí, có tài xế cho rằng do mắc Covid-19 nên đã sử dụng một số thuốc để chống Covid-19 và đây là nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm dương tính với ma tuý…

Trước đó, trong 2 tháng thực hiện đợt cao điểm ra quân đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết Nhâm Dần, CSGT đã phát hiện 225 trường hợp tài xế dương tính với ma túy.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT, Bộ Công an, tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích có diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Xử lý tài xế mới giải quyết “phần ngọn”

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, Bộ Công an đã có kế hoạch xử lý xuyên suốt năm 2022 về nồng độ cồn và ma túy trên toàn quốc.

Tuy nhiên, việc lực lượng CSGT xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích mới chỉ là phần ngọn của vấn đề.

“Ở đây chúng ta phải đánh giá cả một quá trình. Cụ thể là việc quản lý người lái xe, nhất là người kinh doanh vận tải”, ông Nhật nói và đề nghị doanh nghiệp vận tải khi tiếp nhận lái xe, ngoài việc kiểm tra bằng lái cũng cần phải quan tâm đến những vấn đề khác như sức khỏe, giám sát quá trình lái xe an toàn… Doanh nghiệp cũng nên có những cuộc kiểm tra đột xuất để sớm phát hiện.

“Ví dụ, khi lái xe vi phạm nồng độ cồn hay ma túy, ngoài việc bị xử phạt hành chính, tước GPLX, khi kết thúc công việc cần có giải pháp để ngăn chặn và phòng ngừa.

Ví dụ, nên có quy định lịch sử lái xe an toàn và lấy đó là điều kiện để người lái xe có thể xin việc tại các đơn vị vận tải. Nói cách khác, cần có hệ thống chấm điểm lái xe. Khi lái xe cầm hồ sơ này đến đâu, bất cứ đơn vị nào cũng thấy được anh ta từng làm việc ra sao, đã có vi phạm gì. Đây là biện pháp quản lý để tăng tính răn đe, chứ không chỉ đơn giản là nâng mức phạt hay tước giấy phép”, Đại tá Nhật đề xuất.

Đồng tình, Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 12 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, cùng với việc tăng cường TTKS, xử lý vi phạm trên đường của lực lượng chức năng, doanh nghiệp vận tải phải quản lý chặt từ khâu tuyển dụng đầu vào, từ khâu ký hợp đồng, tuyển chọn xem lái xe có đủ điều kiện không.

Không những thế, hàng tháng, hàng quý phải định kỳ kiểm tra, kịp thời phát hiện lái xe có sử dụng ma tuý hay không, bởi việc sử dụng ma tuý là cả một quá trình chứ không phải việc bột phát.

Cũng đồng tình với đề xuất của Đại tá Nguyễn Quang Nhật, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An), khi lái xe vi phạm nồng độ cồn hay dương tính với ma túy, cần phải loại ngay khỏi doanh nghiệp.

“Chúng tôi có 30 tài xế, được tuyển chọn rất kỹ, hàng ngày đều được Đội ATGT của công ty kiểm tra sức khỏe trước khi nhận xe” ông Hoà nói.

Còn theo ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Tiền Giang, để quản lý tốt lái xe, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, doanh nghiệp cần phải mở sổ theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các lái xe.

“Nếu kiểm tra hàng ngày, sẽ rất khó lọt lái xe nghiện cầm vô lăng”, ông Chung khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, đề xuất mở sổ “chấm điểm” lái xe không phải là vấn đề mới.

Trước đây, hiệp hội cũng nhiều lần đề xuất phải kết nối liên thông giữa cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của ngành Công an với dữ liệu quản lý của ngành giao thông để quản lý lái xe. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được ghi nhận để thực hiện trong thực tế.

Ông Quyền cho biết, khi có nhu cầu tuyển dụng, từ cơ sở dữ liệu được kết nối liên thông, doanh nghiệp vận tải sẽ biết được lịch sử của người lái xe thế nào, quá trình lái xe có an toàn không, có sử dụng các chất kích thích khi điều khiển phương tiện…

Khi có cơ sở vững chắc như vậy, doanh nghiệp mới đưa ra quyết định có tiếp nhận hay không.

Cũng từ cơ sở dữ liệu này, cơ quan bảo hiểm có thể nghiên cứu, đề xuất chính sách bảo hiểm đối với doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp nào có cơ chế quản lý lái xe chặt chẽ nghiêm minh có thể giảm mức đóng bảo hiểm và ngược lại, doanh nghiệp quản lý có nguy cơ tai nạn cao có thể tăng mức đóng.

Trần Duy



[ad_2]
Theo ATGT.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *