Thời gian gần đây nhiều người đi bộ phản ánh tới Báo Giao thông thực trạng hầm đi bộ ở Hà Nội đóng cửa sớm (từ 22h00) khiến người dân phải băng qua đường.
Theo người dân L.H.T, nhất là khu vực hầm đi bộ qua dọc tuyến đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) đóng cửa trước 22h, gây nguy hiểm cho người đi đường. Bởi sau 22h vẫn còn nhiều người có nhu cầu đi bộ, việc đóng cửa hầm vào thời gian trên buộc người đi bộ phải băng qua đường.
Hầm đi bộ phục vụ cho người dân sang đường đảm bảo ATGT – Ảnh minh hoạ
Trước thông tin này, ông Trần Hữu Bảo – Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, công tác quản lý, tuần tra, bảo vệ điều hành giao thông hầm được thực hiện theo Quyết định số 22 của UBND TP. Hà Nội. Theo đó, thời gian thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ điều hành giao thông hầm từ 6h00 đến 22h00 hàng ngày.
“Sở GTVT vừa yêu cầu Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông đường bộ cần tiếp tục theo dõi, đánh giá nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian từ 22h00 đến 6h00 hàng ngày và sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh kéo dài thời gian mở cửa hầm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Theo Sở GTVT Hà Nội đường Khuất Duy Tiến (đoạn từ nút giao hầm chui Trung Hoà đến nút giao hầm chui Thanh Xuân, chiều dài 1,9km) có tổng cộng 5 hầm dành cho người đi bộ qua đường.
Cụ thể: Hầm H8 (tại khu vực nút giao với Đại lộ Thăng Long và đường Trần Duy Hưng); hầm H9 và H10 (tại khu vực nút giao với trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu); Hầm H11 (cạnh ngõ 102 Khuất Duy Tiến); Hầm H12 (tại khu vực nút giao với trục đường Nguyễn Trãi). Các hầm này thuộc dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3, được đưa vào khai thác và sử dụng từ năm 2011.
“Trong quá trình đưa vào khai thác và sử dụng, hệ thống các hầm bộ hành đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác đảm bảo ATGT, giải quyết ùn tắc và TNGT, cho thấy đến nay chưa có xảy ra vụ TNGT nào liên quan đến người đi bộ sang đường trên tuyến đường này”, Sở GTVT Hà Nội khẳng định.