Giật mình vi phạm nồng độ cồn tăng “nóng” dịp Tết

  • Blog
  • Giật mình vi phạm nồng độ cồn tăng “nóng” dịp Tết
Giật mình vi phạm nồng độ cồn tăng “nóng” dịp Tết

[ad_1]

Dịp Tết Quý Mão vừa qua, lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn nên số vụ TNGT liên quan đến bia, rượu giảm.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người giật mình là vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt lại tăng đến gần 600% so với dịp Tết năm ngoái.

Tài xế trần tình đủ lý do

Giật mình vi phạm nồng độ cồn tăng “nóng” dịp Tết 1

CSGT Công an TP Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của lái xe

Đêm Giao thừa Tết Quý Mão 2023, các tổ công tác của Công an TP Hà Nội lập chốt ở nhiều tuyến giao thông, xử phạt hàng loạt tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Tại chốt giao thông Lý Thái Tổ – Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm), khi bị Tổ công tác Y1/141 Công an TP Hà Nội lập biên bản xử lý vi phạm nồng độ cồn mức 0,454 miligam/lít khí thở, anh H.T.N (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bối rối cho biết, uống rượu từ trưa sau bữa tiệc Tất niên rồi mới lên hồ Hoàn Kiếm xem pháo hoa.

“Tôi nghĩ thời gian đã đủ để hết men rượu và năm mới lực lượng chức xử lý xuê xoa, ai ngờ vẫn bị xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng và tước GPLX xe 23 tháng, tạm giữ xe máy 7 ngày”, anh N. nói.

Cùng thời điểm, trên phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), khi bị Tổ công tác Y6/141 lập biên bản vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,037 miligam/lít khí thở, anh T.X.H (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trước khi điều khiển ô tô ra đường đón Giao thừa chỉ uống ly rượu cúng lấy may.

Tối mùng 2 – rạng sáng mùng 3 Tết, trên phố Phan Đình Phùng, tài xế N.Đ.N (SN 1975, ở Long Biên, Hà Nội) khi đo nồng độ cồn cho kết quả 0,092 miligam/lít khí thở thanh minh, chỉ uống 2 ly rượu vang.

Với 2 ly vang này, nam tài xế đối mặt với mức phạt 6 – 8 triệu đồng, bị tước bằng lái xe 10 – 12 tháng và tạm giữ ô tô 7 ngày.

Tài xế B.T.H (SN 1973, ở Gia Lâm, Hà Nội) cũng đối diện mức phạt trên khi anh này lái ô tô mà trong cơ thể có nồng độ cồn là 0,066 miligam/lít khí thở. Anh H. thanh minh: “Chỉ dùng một chút rượu trong bữa tiệc ngày Tết”.

Trung tá Đinh Ngọc Đạo, Phó đội trưởng Đội CSGT số 1, Tổ trưởng Tổ công tác Y1/141 cho biết, tất cả những tài xế vi phạm nồng độ cồn đều đưa ra nhiều lý do, người thì vì ăn bữa cơm Tất niên cả nể bạn bè nên trót uống rượu, bia; người thì nhấp môi chút rượu, bia để mừng năm mới…

Chưa bao giờ, các tài xế chứng kiến lực lượng CSGT cả nước đều quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn như dịp cao điểm Tết này.

Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết 2023, CSGT cả nước xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 35,1% tổng số vi phạm giao thông), tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%) so với Tết 2022.

“Chính vì quyết liệt mà trong 7 ngày nghỉ Tết, chỉ có 2 vụ tai nạn có liên quan đến vi phạm nồng độ cồn (chiếm 1,36%), trong khi kỳ nghỉ Tết 2022 xảy ra đến 16 vụ; kỳ nghỉ Tết 2019 xảy ra 7 vụ”, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết.

Cần chế tài mạnh hơn

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, thời gian thực hiện từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/12/2022. Kết quả, trong năm 2022, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 270.601 trường hợp vi phạm. Trung bình mỗi ngày khoảng 700 – 800 trường hợp bị xử lý.

Vì sao xử lý nhiều, vi phạm nồng độ cồn vẫn gia tăng? Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM), chế tài xử lý hiện chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ khoảng 36%, cao hơn thế giới (từ 11 – 25%). Con số này bao gồm cả nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân gián tiếp có liên quan đến nồng độ cồn. Việc kéo giảm tài xế có nồng độ cồn hiệu quả sẽ giúp giảm 5 – 15% số vụ tai nạn và người thiệt mạng.

TS. Lê Thu Huyền, Đại học GTVT


“Cần sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định trường hợp tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật GTĐB, kể cả buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần thì tước vĩnh viễn”, luật sư Bình đề xuất.

Ngoài ra, ông Bình cho rằng, hiện theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Như vậy, pháp luật đang coi hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng là lỗi vô ý. Trong khi thực tế, người phạm tội nhận thức rõ hành vi uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

“Cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ là lỗi cố ý gián tiếp. Như vậy, pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu, bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý”, luật sư Bình phân tích.

TS. Lê Thu Huyền (Đại học GTVT) cũng cho rằng, cần đa dạng hình thức xử phạt với vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe. Trong đó, cần những quy định xử phạt cho mức trên 0,4 miligam/lít khí thở và chia cụ thể thành từng khung như: 0,4 – 0,8 miligam/lít khí thở; 0,8 – 1,2 miligam/lít khí thở và trên 1,2 miligam/lít khí thở.

“Không để tình trạng người uống 1 cốc bia cùng mức phạt với người uống 10 cốc. Mức xử phạt cần đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm… Và nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù”, bà Huyền đề xuất.



[ad_2]
Theo ATGT.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *