Nhan nhản xe hợp đồng dừng đỗ tùy tiện
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại tuyến đường dẫn tới các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, tình trạng xe hợp đồng dừng đỗ, đón trả khách sai quy định diễn ra rất phổ biến.
Tình trạng xe hợp đồng dừng đỗ, đón trả khách sai quy định diễn ra rất phổ biến trên địa bàn Hà Nội (Ảnh chụp trên đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy)
Sáng 13/7, trên đường Phạm Hùng, hàng chục xe hợp đồng nhãn hiệu Ford Transit dừng đỗ ở đây để đón khách, tiếp nhận hàng hóa.
Tại điểm có biển cấm dừng đỗ dưới chân tòa nhà Homes Sky Lak, chiếc xe dán phù hiệu xe hợp đồng biển trắng 29D-332.30 trưng biển “xe nhận gửi hàng đi Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Bãi Bằng, Phú Thọ”.
Quá trình tiếp nhận hàng hóa từ khách gửi, nhân viên xe này còn ung dung mang ghế ngồi cố định tại điểm cả nửa tiếng không rời.
Ở phía trước của tuyến đường dẫn tới bến xe Mỹ Đình, hoạt động của xe hợp đồng du lịch càng bát nháo hơn khi phụ xe đứng ra làn đường giữa để mời chào hành khách.
Đơn cử như các xe BKS 14B-028.22 đi Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông, Móng Cái (Quảng Ninh); xe BKS 98B-019.25 đi bến xe Bắc Giang.
Tình trạng cũng trên diễn ra phổ biến tại các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm, Yên Nghĩa.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ xe hợp đồng, xe du lịch và dịch vụ đưa đón vận chuyển hành khách chất lượng cao từ Hà Nội đến các tỉnh miền Bắc và miền Trung (chưa bao gồm các xe hợp đồng du lịch của các tỉnh đến Hà Nội). Theo thống kê, mỗi nhà xe sở hữu tối thiểu khoảng 10 đầu xe.
“Việc đón trả khách của các hãng xe trên không có bến cố định, đón trả khách trên đường phố gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường, mất an toàn.
Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa cập nhật số liệu thống kê về số lượng nhà xe và số lượng xe cung cấp dịch vụ xe hợp đồng, xe du lịch đưa đón vận chuyển hành khách chất lượng cao đang hoạt động trong nội thành.
Do đó, tăng cường các biện pháp để quản lý đối với các loại hình này là rất cần thiết”, ông Liên nói.
Kiến nghị thí điểm mô hình điểm đỗ
Tìm hiểu của PV, hiện nay Sở GTVT Hà Nội đang quản lý trên 15 nghìn đơn vị kinh doanh vận tải với gần 60 nghìn xe hợp đồng và xe du lịch. Trong đó, có hơn 43 nghìn xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe tham gia thí điểm là hơn 21 nghìn phương tiện.
Với số lượng xe hợp đồng rất lớn, việc quản lý chấp hành các quy định và điều kiện trong kinh doanh vận tải bằng biện pháp thủ công là rất khó khăn.
Nhiều đơn vị sau khi được cấp phù hiệu, biển hiệu, giấy phép lần đầu hầu như không thực hiện đúng các quy định.
Để khắc phục các bất cập trên, mới đây Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận vừa kiến nghị TP Hà Nội cho phép thực hiện mô hình “Điểm đỗ xe hợp đồng, xe du lịch kết hợp dịch vụ hỗ trợ theo hệ thống liên hợp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách thông minh dựa trên việc ứng dụng công nghệ mới”.
Theo ông Đào Việt Hùng, Tổng giám đốc Công ty Vạn Thuận, mô hình này sẽ giúp cho tất cả các xe hợp đồng du lịch phải về một điểm thay vì tùy tiện di chuyển tại nhiều điểm đón, trả khách. Việc này sẽ kiểm soát được số lượng xe, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế.
Để thực hiện, TP Hà Nội bố trí diện tích bãi trông giữ phương tiện khoảng 5.000m2 tại bãi đỗ xe A11/P2 (phường Đại Kim thuộc quận Hoàng Mai) và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì với diện tích 30.000m2.
“Tổng diện tích cả 2 điểm lên tới 35.000m2, tương đương diện tích bến xe Giáp Bát, có thể đảm bảo cho khoảng gần 2.000 lượt xe”, ông Hùng nói.
Với mô hình này, đơn vị kinh doanh hoạt động vận tải hợp đồng, du lịch sẽ chịu trách nhiệm thực hiện ký hợp đồng dịch vụ điện tử về đưa đón hành khách, ký hợp đồng với đơn vị quản lý điểm đỗ xe trong quá trình chờ hành khách .
Đổi lại, đơn vị kinh doanh dịch vụ kết nối thông minh sẽ thực hiện chức năng quản lý các nhu cầu trong việc dịch chuyển của người dân thông qua các cổng điện tử (do người dân khai báo và có nhu cầu dịch chuyển giống Grab, Be), phân tích, tổng hợp đưa ra các khuyến cáo đối với người sử dụng hệ thống về tuyến đường, thời gian và các phương thức đưa đón đảm bảo thuận tiện, giảm chi phí.
Theo tìm hiểu của PV, phương án thuyết minh của doanh nghiệp mới tính đến giá trông giữ theo tháng, căn cứ theo Quyết định 44 của UBND TP Hà Nội.
Cụ thể, giá trông giữ xe đến 9 chỗ ban ngày 1,3 triệu đồng, ban đêm 1 triệu đồng, cả ngày đêm 1,8 triệu đồng. Từ 10 – 24 chỗ, sẽ có giá ban ngày 1,4 triệu đồng, ban đêm 1,1 triệu đồng, cả ngày đêm 1,9 triệu đồng. Xe từ 25 – 40 chỗ ban ngày 1,6 triệu đồng, ban đêm 1,3 triệu đồng, cả ngày đêm 2 triệu đồng.
Liên quan đến việc chỉ có 2 điểm theo đề xuất, liệu có giải quyết được các bất cập hiện nay của xe hợp đồng, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay: “Nếu quá trình thực hiện thí điểm đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ đề xuất thêm các điểm khác để phục vụ nhu cầu số lượng xe hợp đồng rất lớn hiện nay”.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Công ty Vạn Thuận, Sở đã yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện nội dung thuyết minh về mô hình thí điểm.
“Việc này chúng tôi sẽ báo cáo TP, nếu thấy khả thi sẽ áp dụng, đây cũng là giải pháp kiểm soát các xe hợp đồng, xe du lịch theo hướng tốt hơn”, vị này nói.