Tuyến Quốc lộ 8A (nối QL1A với cửa khẩu Cầu Treo) có chiều dài 85,3km, có điểm đầu tại thị xã Hồng Lĩnh và điểm cuối tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Đây là tuyến đường độc đạo lên xuống Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thế nên, mỗi ngày đêm có hàng trăm lượt xe qua lại.
QL 8A là tuyến đường độc đạo dẫn đến cửa khẩu Cầu Treo nên có nhiều xe tải chở hàng có trọng tải lớn đi qua
Tình trạng ách tắc giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt cộng với thời điểm tuyến đường đang được nâng cấp, sửa chữa thì càng trở nên “bát nháo”.
Theo ghi nhận của PV báo Giao thông, phương tiện tham gia giao thông trên đoạn Km37+00 – Km85+300 (đoạn từ thị trấn Phố Châu đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) thời gian gần đây chủ yếu là xe tải, xe đầu kéo và xe sơ mi – rơ moóc trong đó có nhiều xe có kích thước “siêu khủng”.
Trên tuyến đường từ km 60 tới cửa khẩu Cầu Treo (km 85+300), tình trạng mất ATGT diễn ra rất phổ biển. Có những đoạn đường, phần ta luy âm bị sạt sâu khiến lòng đường vốn đã hẹp lại càng bé thêm.
Tuyến đường đang được nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, có những đoạn khúc cua gấp lại thiếu hộ lan bảo vệ nên rất nguy hiểm
Trên tuyến có nhiều đoạn đường chật hẹp, vực sâu hun hút nhưng chỉ được căng sợi dây mỏng, cảnh báo rất sơ sài. Ở những đoạn này, khi 2 xe cùng di chuyển qua rất nguy hiểm.
Tình trạng các cấu kiện xây dựng, máy móc… được các đơn vị thi công tập kết ở hai bên đường khiến giao thông vốn đã khó khăn lại càng gian nan hơn.
Ông Lê Sỹ Thông – một người thường xuyên qua lại trên tuyến này thông tin: Đoạn đường vốn chật hẹp, nay cộng thêm việc đơn vị thi công đang làm nên việc đi lại hết sức khó khăn.
Bên núi cao, bên vực sâu cộng thêm thời tiết mưa nên tuyến đường này trở thành “ác mộng” đối với các tài xế
“Có những thời điểm trời mưa, đường trơn trượt, một bên là vực sâu bên núi lở khiến người dân đi đường, cánh tài xế chở hàng lên cửa khẩu Cầu Treo đều thót tim.
Theo tài xế Nguyễn Đình Quân – lái xe tải chở quặng cho biết, thời điểm này, tài xế phải có kinh nghiệm cầm vô lăng lâu năm mới dám đi qua. Ngoài việc đơn vị thi công thường chiếm mất một làn đường, việc đường trơn trượt, nhiều khúc cua gấp lại thiếu hộ lan bảo vệ nên rất nguy hiểm.
Được biết, QL8 từ ngã ba TX Hồng Lĩnh đến cửa khẩu dài 85,3km. Đoạn tuyến từ Km0 – Km37 đã được đầu tư nâng cấp mở rộng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Đất trôi xuống lòng đường khiến việc đi lại cũng gian nan hơn.
Với đoạn tuyến từ Km37 tới Km85+300 nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng Bộ GTVT phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều năm trở lại đây phải phân kỳ đầu tư, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công từng bước. Tới thời điểm này, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 4 cho biết: Thời gian vừa qua, trên tuyến Quốc lộ 8A có xảy ra liên tiếp các vụ vụ tai nạn giao thông, tuy không thiệt hại về người nhưng gây ách tắc giao thông trên tuyến.
Theo ông Phúc, đoạn từ Km54+468 lên đến khu vực cửa khẩu có nền mặt đường hẹp, trên đoạn tuyến có nhiều đường cong quanh co liên tục với bán kính nhỏ, nhiều vị trí chưa đảm bảo an toàn cho xe đầu kéo và xe sơ mi – rơ moóc; nhiều đoạn có độ dốc dọc lớn, lề đường một số đoạn bị lún lõm, mặt đường một số vị trí hư hỏng, xuất hiện ổ gà. Mặt đường hẹp, vệt bánh xe tải trọng lớn lấn lên phần lề đất ẩm ướt, gây lún lõm lề đường, làm tăng độ dốc siêu cao khi bánh xe chạy lên lề đường trong đường cong, dẫn đến nguy cơ lật đổ phương tiện cao.
Nói về tình trạng mất ATGT trên tuyến, đại diện Chủ đầu tư cho hay, với tình trạng đường thì hẹp, vừa thi công vừa khai thác, lưu lượng xe thì đông, lại chủ yếu toàn xe đầu kéo, xe sơ mi-rơ moóc có kích thước quá khổ như hiện nay, cộng với ý thức tham gia giao thông của một số tài xế chưa được tốt thì việc ùn tắc va chạm giao thông rất dễ xảy ra…
“Ban quản lý dự án 4 đã chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công cuốn chiếu, làm nhanh, gọn từng đoạn tuyến tránh gây cản trở, ách tắc giao thông. Các đơn vị thi công bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu, đảm bảo ATGT trong quá trình thi công như cọc tiêu, biển báo, sào vè, đèn tín hiệu vào ban đêm; bố trí đầy đủ người trực gác, điều tiết giao thông và chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc, thiết bị thi công để xử lý kịp thời các sự cố có thể gây mất ATGT và ách tắc giao thông”, ông Phúc nói.
Ngoài ra ông Phúc cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát các xe quá khổ, siêu trường lưu thông trên tuyến.