Báo động tình trạng gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy

  • Blog
  • Báo động tình trạng gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy
Báo động tình trạng gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy

[ad_1]

Liên tiếp gây tai nạn rồi bỏ chạy

Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) đang truy tìm tài xế ô tô không rõ BKS gây TNGT tại xã Hải Xuân rồi rời khỏi hiện trường, không đến cơ quan chức năng trình báo.

Báo động tình trạng gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy 1

Chiếc ô tô gây tai nạn khiến một người phụ nữ tử vong rồi bỏ chạy ở Hà Nội tối 25/7

Theo đó, khoảng 9h ngày 7/9, tại Km4+300 tỉnh lộ 335 qua địa bàn thôn 13, xã Hải Xuân, anh Hoàng Văn Đến (SN 1991) điều khiển xe máy BKS 14K1-195.87 va chạm với ô tô màu trắng không rõ BKS khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Sau va chạm, thay vì dừng lại đưa anh Đến đi cấp cứu, tài xế ô tô đã lái xe rời khỏi hiện trường.

Trước đó, khoảng 22h20 ngày 25/7, tại đối diện số 271 Lê Duẩn (Hà Nội) xảy ra vụ TNGT giữa ô tô BKS 30H-269.59 với xe mô tô BKS 29M1-570.53 khiến 1 người phụ nữ tử vong.

Sau khi gây tai nạn, tài xế ô tô bỏ chạy đến ngã tư Lê Duẩn – Đại Cồ Việt thì bị người dân đuổi theo, yêu cầu quay lại hiện trường.

Tại TP Biên Hoà, khoảng 9h30 ngày 16/7 cũng xảy ra vụ TNGT giữa xe bồn và xe máy do nam thanh niên 30 tuổi điều khiển, lưu thông cùng chiều trên QL1, theo hướng từ TP Long Khánh đi TP Biên Hoà.

Vụ tai nạn khiến người điều khiển xe máy mất lái ngã xuống đường, văng xa hơn chục mét, tử vong tại chỗ. Đáng chú ý, sau khi gây tai nạn, tài xế xe bồn không dừng xe xử lý mà lái xe rời khỏi hiện trường.

Đến trưa cùng ngày, CSGT Đồng Nai đã dừng bắt được xe bồn khi đang lưu thông trên đường cách hiện trường gần 30km.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng bằng việc điểm qua những vụ gây TNGT rồi bỏ chạy thời gian gần đây có thể thấy tình trạng này xảy ra ngày càng thường xuyên và rất đáng báo động.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP Luật sư Kết nối cho biết, hành động bỏ trốn sau khi gây tai nạn không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác mà còn thể hiện sự vô cảm, thiếu đạo đức, thiếu tình người.

Cần truy vết, giải quyết triệt để các vụ gây TNGT bỏ chạy

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy có thể do trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng có trường hợp do hoảng loạn không biết xử lý như thế nào trong tình huống đó, hoặc sợ người nhà nạn nhân đánh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, gây TNGT rồi bỏ chạy là biểu hiện của tâm lý tự bảo vệ bản thân, do lo sợ có thể bị người thân của nạn nhân hay thậm chí người xung quanh đánh.

Việc bỏ chạy cũng để trốn tránh nỗi sợ hãi khi nhìn thấy hậu quả do mình gây ra. Ngoài ra, một số trường hợp còn tin và hy vọng rằng việc bỏ chạy có thể giúp thoát khỏi vấn đề bị truy cứu trách nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh tài xế có những lỗi đặc biệt nghiệm trọng khi để xảy ra tai nạn như trước đó sử dụng rượu, bia hay không có GPLX,…

Tuy nhiên, cũng có thể do người lái xe không nhận thức được mình gây ra tai nạn do hạn chế về tầm quan sát, hoặc biết xảy ra va chạm nhưng coi đó là va chạm nhỏ nên không dừng lại.

“Dù lý do là gì, việc gây tai nạn bỏ chạy cũng phản ánh ý thức tồi, ích kỷ và thiếu trách nhiệm của người lái xe. Hơn ai hết, họ là người trực tiếp có mặt tại hiện trường và có thể là người đầu tiên hỗ trợ cho nạn nhân.

Các nghiên cứu y khoa đã khẳng định, khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân, giúp tính mạng nạn nhân được bảo vệ, giảm thiểu các di, biến chứng sau tai nạn. Ngoài ra, còn phản ánh việc thiếu kỹ năng ứng phó với tình huống xảy ra tai nạn của người lái xe”, TS Hiếu nhận định.

Báo động tình trạng gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy 2

CGST Đồng Nai dừng bắt chiếc xe bồn gây tai nạn khiến. nam thanh niên tử vong ngày 16/7 trên QL1

Theo TS Hiếu, lo sợ bị người thân nạn nhân đánh là lý do phổ biến nhất các lái xe thường dựa vào để rời khỏi hiện trường. Do đó, để hạn chế tình trạng này, cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ hơn việc yêu cầu người lái xe chứng minh được tính hợp lý và cần thiết của việc rời khỏi hiện trường, cũng như việc họ đã nỗ lực hết sức để báo cáo tai nạn và hỗ trợ nạn nhân hơn là vì để bảo vệ bản thân.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông Luật cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp (như người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; Phải đưa người bị nạn đi cấp cứu nên phải rời hiện trường; Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng) sẽ cho phép những người này được rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt từ 16 – 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 – 7 tháng đối với người điều khiển ô tô và phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước GPLX từ 3 – 5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn sau TNGT.

Bộ luật Hình sự cũng quy định, tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn, khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn bỏ chạy có thể bị phạt tù từ 3 – 10 năm.

“Mức xử phạt hiện khá cao tuy nhiên để tạo tính răn đe cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm, toàn diện tất cả các vụ gây tai nạn bỏ chạy”, luật sư Bình nói.

Đồng quan điểm, TS Tạo cho biết, để hạn chế các vụ gây TNGT bỏ chạy, cơ quan chức năng cần giám sát, nghiên cứu các biện pháp nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả và nhanh chóng tất cả các vụ việc, tránh bỏ lọt hay kéo dài thời gian giải quyết khiến những người gây tai nạn bỏ chạy nghĩ rằng dễ dàng “thoát tội” mà có tâm lý tái phạm.

Tuyên truyền toàn diện

TS Tạo cho biết, thời gian vừa qua không chỉ thường xuyên xảy ra các vụ gây TNGT rồi bỏ chạy mà trường hợp người gây tai nạn bị người nhà nạn nhân hành hung cũng nhiều.

Do đó, muốn hạn chế các vụ gây TNGT rồi bỏ chạy, song song với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, giáo dục phẩm chất, đạo đức của lái xe còn phải tuyên truyền đến toàn dân khi có người thân gặp tai nạn cần bình tĩnh giải quyết theo đúng quy định pháp luật, không hành hung người gây tai nạn.

TS Hiếu cho biết thêm, tình trạng gây tai nạn rồi bỏ chạy của lái xe tại các nước phát triển khá thấp. Tại Anh, năm 2015, chỉ có 12% số vụ tai nạn có chấn thương được ghi nhận là lái xe rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, 90% số vụ này là các tai nạn nhẹ và lái xe mô tả rằng họ không nhận ra đã xảy ra tai nạn. 9% số vụ tai nạn có lái xe rời khỏi hiện trường ghi nhận các chấn thương nghiêm trọng và chỉ có 1% là vụ tai nạn chết người.

Vấn đề gây tai nạn và bỏ chạy tại các nước phát triển rất được quan tâm và nghiên cứu để đưa ra hàng loạt các giải pháp như: Giáo dục tăng cường ý thức của người lái xe; Phát triển nhiều kênh để thông tin báo cáo về tai nạn; Xây dựng các chiến dịch mạnh mẽ để nâng cao trách nhiệm và kỹ năng ứng phó với tai nạn cho toàn dân (hạn chế việc đánh và gây hấn với người gây tai nạn); Giải quyết các vấn đề vi phạm có thể dẫn đến tâm lý bỏ chạy sau khi gây tai nạn (như sử dụng chất kích thích trước khi lái xe).

“Đây là những giải pháp Việt Nam có thể quan tâm và học hỏi, đặc biệt là xây dựng các chiến dịch, các hướng dẫn về ứng phó khi có tai nạn xảy ra để hạn chế tối đa việc bỏ chạy khỏi hiện trường”, TS Hiếu nói.

“Cùng với hệ thống camera giám sát giao thông ngày càng “phủ sóng” trên các tuyến đường, nhiều gia đình sống ven đường và nhiều chủ xe cũng tự trang bị camera. Do đó, sự phối hợp của người dân toàn quốc để cung cấp những video, hình ảnh về các vụ tai nạn bỏ chạy cho cơ quan chức năng là điều hết sức cần thiết để nhanh chóng truy tìm, giải quyết các vụ tai nạn này”,TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia.



[ad_2]
Theo ATGT.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *