10h trưa 16/10, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là việc cứu hộ, cứu nạn tại dự án thủy điện Rào Trăng 3, 4.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Sau đó đoàn công tác đã đi kiểm tra hiện trường và làm việc tại Sở chỉ huy tiền phương (đặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Sáng cùng ngày, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức cuộc họp tìm phương án tiếp tục tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết, lực lượng cứu hộ tiếp tục thông tuyến đường 71 để tiến vào nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4. Hiện tại, lực lượng công binh cùng phương tiện còn 13km nữa là tiếp cận khu vực Rào Trăng 3.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay việc tiếp cận khu vực có người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 gặp rất nhiều khó khăn do mưa lớn. Việc tiếp cận bằng đường thủy rất khó thực hiện được, trường hợp thực hiện được thì sẽ không đưa được phương tiện máy móc, thiết bị. Phương án khả thi chỉ có đi theo đường bộ theo đường 71.
Tuy nhiên, từ Tiểu khu 67 đến Rào Trăng 3 có nhiều điểm sạt lở lớn nên cơ động khắc phục, tiếp cận sẽ tốn nhiều thời gian.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị, sử dụng lực lượng tại chỗ để tăng hiệu quả và tránh nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết có mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay: “Mưa lớn nhiều ngày, nhiều vị trí ta luy dương trên tuyến đường từ Tỉnh lộ 11B vào thủy điện Rào Trăng 3 bị đất đá sạt lở xuống lấp đường với khối lượng lớn.
Thời tiết bất lợi, mưa liên tục nên công tác mở đường vào gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở tiếp có thể đe dọa đến an toàn của người và thiết bị mở đường vào.
Đây cũng là tuyến đường độc đạo nên các thiết bị, đặc biệt là các thiết bị lớn không thể cùng lúc chen nhau vào gây tắc đường, việc bố trí người cảnh giới cũng rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đơn vị đã có sự điều tiết hợp lý, cố gắng và quyết tâm để thông đường.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng trực tiếp vào hiện trường quyết liệt chỉ đạo thông đường sớm nhất vào thủy điện Rào Trăng 3”.
Với quyết tâm ngày đêm nỗ lực, hiện tuyến đường vào hiện trường đã thông tuyến gần vào đến thủy điện Rào Trăng 4, còn cách ngầm và một đoạn sạt lở nặng nữa là tới thủy điện Rào Trăng 4.
“Chúng tôi đang quyết tâm, bằng mọi cách để thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3 trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay.
Hiện trời đang mưa to, nhiều máy móc thiết bị cũng đang đậu chờ sẵn bên đường để chờ lệnh tiếp tục vào hiện trường.
Trước đó, cùng với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã điều động các thiết bị vào hiện trường. Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp bám hiện trường trực tiếp chỉ huy các phương tiện mở đường.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, địa hình đồi núi di chuyển rất khó khăn, Sở GTVT cũng như Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các lái xe, lái máy vào hiện trường phải tự chủ động “4 tại chỗ”, tự mang theo nước uống, bánh mì, xôi, bánh chưng để ăn, chọn vị trí để lập lán trại dã chiến, đồng thời bố trí thêm người tiếp tế bánh, cơm hộp để ăn.
Với quyết tâm thông đường, trưa 15/10, các lái xe, lái máy tại hiện trường thay nhau làm việc xuyên trưa, ăn cơm hộp ngay trên xe. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng như Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Lê Công Diễn… cũng ăn tạm bánh lúc đã quá trưa, sau đó mới có cơm hộp để ăn tại hiện trường thông đường.