Tại Hàn Quốc hệ thống giao thông thông minh được vận hành như thế nào?

  • Blog
  • Tại Hàn Quốc hệ thống giao thông thông minh được vận hành như thế nào?
Tại Hàn Quốc hệ thống giao thông thông minh được vận hành như thế nào?

Khi được trực tiếp chứng kiến tại Hàn Quốc, bạn mới có thể cảm nhận hết được mức độ phức tạp và tinh vi của hệ thống giao thông thông minh hàng đầu thế giới tại đây.

Hạ tầng giao thông công cộng phát triển đồng bộ

Tại đây, tất cả thông tin về các phương tiện giao thông đều được số hóa. Năm 2011, Hàn Quốc đã hoàn thành công tác lắp đặt tuyến cáp quang Internet tốc độ cao trên 3.500km đường cao tốc, đã tạo ra một mạng lưới giao thông thông minh quốc gia (ITS), qua đó đã nâng cấp hệ thống giao thông của Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

Giao thông thông minh - Tàu điện ngầm tại Hàn Quốc
Tàu điện ngầm tại Hàn Quốc

Thành phố Seoul là một nơi có mật độ phương tiện giao thông thuộc hàng lớn nhất Hàn Quốc, bên cạnh đó cũng là một trong những nơi có cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại bậc nhất thế giới. Toàn thành phố có tới 14 tuyến tàu điện ngầm nối các quận với nhau, cả khu vực xung quanh và các thành phố vệ tinh. Phần lớn người dân Hàn Quốc sử dụng phương tiện công cộng vì tính thuận tiện và chi phí rẻ (chỉ 1USD/lượt). Với hơn 8 triệu lượt khách mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm tại Seoul là một trong những hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất thế giới.

Xe bus của các doanh nghiệp vận tải tư nhân và hệ thống tàu điện ngầm do cơ quan nhà nước điều hành là hai phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Hàn Quốc, do đó khiến cho hệ thống giao thông tại Hàn Quốc có trật tự hơn bất kỳ quốc gia khác. Hệ thống tàu điện ngầm kết nối các khu vực vùng thủ đô bằng 16 tuyến, góp phần vận chuyển 6 triệu lượt người dân thành phố trong một ngày.

Hệ thống xe bus tại Hàn Quốc
Xe Bus tại Hàn Quốc

Hiện nay có tới 17 triệu phương tiện giao thông tại Seoul đã đăng ký vào hệ thống định vị vệ tinh GPS, do đó người vận hành luôn nhận được các thông tin về lưu lượng giao thông theo từng giờ trên các tuyến đường. Dựa vào các dữ liệu thu thập được này, hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông cũng có thể tự động thay đổi theo mật độ của các phương tiện giao thông, giúp giảm bớt thời gian chờ đợi trên các tuyến giao lộ khi mật độ xe ít, góp phần giúp cho luồng giao thông được thông thoáng và vận hành nhịp nhàng hơn.

Hệ thống “phạt nguội” thực thi rất nghiêm minh

Khi được tham quan Seoul bằng xe bus, bạn sẽ ít khi nhìn thấy cảnh sát giao thông, nhưng các phương tiện đều di chuyển rất đúng luật. Theo lời một người hướng dẫn viên, có được điều này là nhờ vào hệ thống camera được bố trí dày đặc trên các tuyến đường để giám sát mọi tình huống giao thông.

Với hệ thống cáp quang Internet được lắp đặt chạy khắp các tuyến đường, hệ thống camera giám sát giao thông luôn chạy liên tục 24/7 khắp thành phố, sẵn sàng ghi lại mọi tình huống vi phạm giao thông để xử lý “phạt nguội”.

Khi phát hiện ra hành vi vi phạm giao thông, hệ thống camera sau đó sẽ lưu lại hình ảnh vi phạm làm bằng chứng. Từ các thông tin thu thập được về chủng loại phương tiện, biển số. Hệ thống quản lý phương tiện sẽ truy xuất ngay được ra các thông tin liên quan như: tên, địa chỉ, số thẻ căn cước của chủ sở hữu xe, thậm chí là số khung, số máy, ngày đăng ký, màu sơn, ngày sang tên gần nhất,…

Trước tiên, hệ thống “phạt nguội” sẽ gửi một thông báo nộp phạt tới địa chỉ của chủ phương tiện vi phạm kèm theo nội dung: Phương tiện đã vi phạm luật gì, vị trí vi phạm, mức nộp phạt, thời hạn nộp phạt vào,…

Hệ thống giao thông tại Hàn Quốc
Hệ thống giao thông thông minh tại Hàn Quốc

Nếu để quá hạn mà chủ phương tiện không nộp phạt, (có thể do lý do khách quan nhưu đi vắng, công tác dài ngày…) hệ thống sau đó sẽ tự động gửi tới địa chỉ nhà thông báo nộp phạt lần 2 với nội dung tương tự, nhưng số tiền phạt sẽ tăng lên do lỗi nộp phạt chậm.

Nếu trường hợp quá hạn lần 2 mà chủ phương tiện vẫn không chịu nộp phạt, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo lần thứ 3. Ngoài những nội dung như lần đầu tiên kèm theo một thông báo tăng thêm tiền phạt lần nữa, thì thông báo lần 3 mang tính chất “tối hậu thư”. Nếu đã gửi tới lần thứ 3 mà chủ phương tiện vẫn không nộp phạt thì cơ quan hành pháp sẽ đề nghị tới Tòa án can thiệp.

Xây dựng ý thức tham gia giao thông nghiêm túc

Hầu hết mọi giao dịch tài chính tại Hàn Quốc, từ mua bán thuần túy đến việc kinh doanh làm ăn đều dùng tới dịch vụ ngân hàng và qua thanh toán trực tuyến. Cảnh sát giao thông hay các cơ quan chức năng chỉ cần nhập tên và số thẻ căn cước cũng có thể xác định các loại tài khoản của chủ phương tiện giao thông. Nếu chủ phương tiện không chịu nộp phạt, tài khoản ngân hàng của họ sẽ bị phong tỏa, ngừng tất cả hoạt động giao dịch, đồng nghĩa việc họ không có tiền để chi tiêu.

Khi Tòa án xử, người vi phạm giao thông sẽ bị phạt phải lao động công ích, treo bằng lái hoặc thậm chí hủy bằng lái vĩnh viễn và bắt buộc phải nộp phạt. Nếu không tự nguyện nộp phạt, Tòa án sẽ gửi lệnh yêu cầu phong tỏ mọi tài khoản ngân hàng. Với các hành vi như cố ý chống đối hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, ngoài các biện pháp trên, người vi phạm có thể bị cấm xuất cảnh hoặc phạt tù.

Cảnh sát giao thông tại Hàn Quốc cũng được trao quyền xử lý mạnh tay đối với các trường hợp cố tình chống đối người thi hành công vụ. Một video trước đây được chia sẻ nhiều trên YouTube từ năm 2014 cũng cho thấy hình ảnh cảnh sát đã xử lý một cô gái 30 tuổi điều khiển chiếc Volkswagen Beetle đi vào đường ngược chiều nhưng đã cố tình tháo chạy. Ngay lập tức Cảnh sát đã đập kính cửa xe của cô gái và khống chế phương tiện. Cả cô gái và bạn trai ngồi theo trên xe sau đó đều phải lĩnh án tù.

Có thể thấy, hệ thống giao thông thông minh tại Seoul được xây dựng dựa trên sự đồng bộ hạ tầng các phương tiện công cộng, đã ứng dụng công nghệ cao trong điều tiết và vận hành giao thông, nhưng điều quan trọng nhất là ý thức tham gia giao thông của người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *