Xe chở quá tải bùng phát khắp nơi

  • Blog
  • Xe chở quá tải bùng phát khắp nơi
Xe chở quá tải bùng phát khắp nơi

[ad_1]

Trước đây, khi vào cuộc quyết liệt, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%. Vậy tại sao giờ lại không xử lý được?

Kỳ 1: CSGT cắm chốt, xe cơi nới thành thùng qua như chốn không người

Đã có nhiều biện pháp được đưa ra như trang bị trạm cân lưu động, cân xách tay cho lực lượng chức năng; xử lý vi phạm tải trọng ngay đầu nguồn hàng tại kho bãi, bến cảng nhưng… xe quá tải vẫn tái diễn, hoạt động công khai, làm hư hỏng đường sá, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Xe chở quá tải bùng phát khắp nơi 1

CSGT Hà Nội kiểm tra, xử lý xe quá tải. Ảnh: Việt Hòa

Cơi nới thùng gấp đôi, gấp ba thiết kế

Có mặt trên tuyến đường nối từ QL1A vào khu vực nhà máy xi măng Xuân Thành, xi măng Thành Thắng (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) những ngày qua, PV Báo Giao thông không khó để bắt gặp những chiếc ô tô tải cơi nới thành thùng từ 30 – 50cm, chở đầy đất, đá, xi măng.

Ngay cổng nhà máy xi măng Xuân Thành, xe tải BKS 90C – 089.90 đã được cơi thùng lên cao hơn 1m, trong khi theo đăng kiểm, thành thùng xe này chỉ cao 72cm.

Tương tự, xe BKS 90C – 046.66 cũng cơi nới thêm khoảng 40cm. Để kín đáo, lái xe đã may tấm bạt che dọc phần thùng cơi nới.

Tương tự, tại cổng nhà máy xi măng Thành Thắng, xe đầu kéo mang BKS 29H – 721.07 từ nhà máy đi ra cũng chất hàng cao đến nóc cabin.

Quy định pháp luật hiện đã có, chế tài xử phạt cũng phạt nặng hành vi chở quá tải. Chỉ cần làm đúng quy định theo đúng chức năng, thẩm quyền đã rất tốt. Đơn cử như xe ra khỏi mỏ, kho hàng… phải cân tải trọng nhưng có cân hay không, không cân hay cân sai có ai giám sát, ai phạt? Khi xử lý vi phạm, bên cạnh việc phạt lái xe, chủ xe, lực lượng chức năng có phạt người xếp hàng lên xe hay không, đã có bao nhiêu trường hợp bị xử lý?

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng


Điều khó hiểu là dù xe cơi nới thành thùng, chở quá tải hoạt động ngang nhiên nhưng theo quan sát của PV, trong nhiều ngày liền, không hề thấy lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, xử lý.

Thậm chí, trên đường từ cầu Bồng Lạng ra QL1A luôn có 1 xe biển xanh ghi chữ Cảnh sát giao thông BKS 90A – 002.xx cùng 2 người mặc cảnh phục màu vàng “cắm chốt” ở bên phải đường nhưng chỉ ngồi nhìn xe cơi thùng, chở hàng quá nóc chạy qua.

Thỉnh thoảng có xe tải biển ngoại tỉnh chở hàng đi tới thì người mặc cảnh phục đi ra “nói chuyện nhanh” với tài xế rồi để xe tiếp tục hành trình.

Trong vai 1 lái xe hỏi thăm cách qua chốt CSGT, PV được một tài xế xe tải loại trên 10 tấn biển BKS 30H… nhưng chất tới 30 tấn xi măng bao, vừa vượt chốt thành công cho biết: “Nếu xe 3 chân thì 150 nghìn, còn xe 2 chân thì 100 nghìn. Như xe tôi chỉ có 100 nghìn thôi, vì đây là chốt huyện” (?!)

Tương tự, dọc tuyến tránh TP Phủ Lý, tuyến TL494, QL21B, không hề quá khi nói hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt phương tiện chở quá tải “rồng rắn” trên đường.

Từ khu vực mỏ đá Thung Mơ (xã Kiện Khê, huyện Kim Bảng) ra tuyến tránh TP Phủ Lý và ĐT494, QL21B, hàng loạt xe tải dòng Howo, DongFeng cũng cơi nới thành thùng từ 0,5 – 1m để chở quá tải.

Bên cạnh đó, còn có những xe container cắt nóc, xe đầu kéo chế thùng tự đổ gắn chữ KG chở đầy vật liệu xây dựng chạy nhông nhông trên đường như: BKS 90C – 102.70, BKS 90R – 005.95…

Quá trình ghi nhận thực tế tại khu vực đầu “nguồn hàng”, PV cũng bắt gặp xe ô tô biển xanh mang BKS 90B – 22xx của lực lượng CSGT đang “cắm chốt” nhưng xe ra vào chở hàng không hề bị xử lý.

Tiếp tục di chuyển theo trục TL494 ra QL21B, PV tiếp tục bắt gặp xe biển xanh mang BKS 90A – 002.xx cùng 2 chiến sĩ CSGT ở bên đường.

Thế nhưng, không có xe cơi thùng, chở ngọn nào bị “sờ gáy”. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe tải chở hàng biển ngoại tỉnh khi đi đến gần “chốt CSGT” tự bật xi nhan dừng lại, lái xe chạy vào trong gặp “ai đó” rất nhanh rồi lại lên xe đi.

PV trực tiếp vào tổ thì được một cán bộ cho biết: Tổ trưởng và 2 người nữa đang đi xử lý xe quá tải.

Lý giải về việc xe cơi thùng, có dấu hiệu chở quá tải vô tư chạy trên đường, lãnh đạo Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nam cho biết: Xử lý xe cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải là một trong những nhiệm vụ được đội thực hiện thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên, đặc thù khu vực QL21, QL21B huyện Thanh Liêm là vùng mỏ nên khó xử lý triệt để. Phạt xe này thì xe khác chạy.

Không chỉ Hà Nam, ngay tại Thủ đô Hà Nội, xe quá tải cũng vô tư chạy trên nhiều tuyến đường.

Ngày 12/5, thực tế ghi nhận của PV Báo Giao thông dọc tuyến QL21B cho thấy, hàng loạt ô tô tải loại “hổ vồ” 4 chân mang BKS 29H – 822.08; 29H – 822.66; 29H – 797.32; 29H – 772.73; 29C – 750.04; 28H – 002.85; 29H822.56… cơi nới thành thùng, chở vật liệu xây dựng có biểu hiện chở quá tải, nối đuôi nhau chạy thành đoàn.

Tương tự, cũng trong chiều 10/5, ghi nhận của PV dọc tuyến QL32, QL21, đường Hồ Chí Minh, QL6 qua địa bàn Hà Nội cũng cho thấy hàng loạt xe loại “hổ vồ” 4 chân, xe đầu kéo trên kính cabin xe để kí hiệu riêng như: VTV, HC, Cường Linh, CP Ba Vì, Cường Thịnh, Hưng Thịnh.

Hầu hết các xe này đều cơi nới thành, thùng gấp đôi, gấp 3 so với thiết kế của nhà sản xuất, chở vật liệu xây dựng có ngọn nối đuôi nhau “tung hoành” nhưng không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 11 cho biết, địa bàn đơn vị quản lý có tuyến QL21 đi đường mòn Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long đi tỉnh Hòa Bình nơi có nhiều mỏ đá, trung chuyển vật liệu xây dựng nên hoạt động vận tải vận chuyển cát, đá từ Hòa Bình về Hà Nội khá phức tạp.

Tại TP.HCM xe quá tải cũng tung hoành từ khắp tuyến quốc lộ đến các tuyến đường nội đô.

Trên đường Lê Văn Việt, đoạn gần giao nhau với đường Hoàng Hữu Nam cùng lúc 3 xe ô tô chở vật liệu chạy phăm phăm, trong đó, xe BKS 61C – 324.xx chở đá “có ngọn” lao vun vút về hướng Hoàng Hữu Nam.

Vài phút sau, trên tuyến đường Hoàng Hữu Nam, một xe tải chở đầy đất chạy từ hướng Nguyễn Văn Tăng qua, trên đỉnh thùng chỉ phủ một mảnh bạt nhỏ kiểu đối phó chứ không hề có tác dụng ngăn bụi, bảo vệ môi trường.

Tại đường Nguyễn Duy Trinh (lúc 11h45 ngày 10/5), xe tải BKS 51D – 802.xx chở đất san lấp cao như núi lao vun vút. Ít phút sau, những xe tấp lề gần cầu Võ Khế cũng bắt đầu “xuất kích”…

Xe quá tải hoành hành không chỉ tại địa bàn quận 9, ngay trên QL1, đoạn đi qua khu chế xuất Linh Trung, rất nhiều xe tải chở đất đá “có ngọn” cũng thường xuyên qua lại.

Điển hình như, khoảng 12h ngày 7/5, xe tải BKS 51D – 315.xx cơi nới thùng chở đầy đất chen lấn giữa dòng phương tiện xe máy sang đường. Trong khi đó, có 2 chiến sĩ CSGT Đội Rạch Chiếc đang làm nhiệm vụ nhưng chiếc xe kể trên vẫn không bị dừng kiểm tra.

Dọc tuyến QL51, tuyến tránh QL1 gần khu vực mỏ đá Tân Cang, PV tận mắt thấy hàng chục xe có dấu hiệu chở vun thùng quá tải như các xe tải ben BKS: 51D – 477.64, 60C – 350.59, 60C – 590.83.

Trên QL51 hàng đoàn xe quá tải ben kéo theo thùng hàng rơ-moóc chạy ngược xuôi trên đường nhưng cũng không thấy cơ quan chức năng “hỏi thăm”.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Thiên Vương, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Ban ATGT tỉnh cho hay, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, Quảng Ninh đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phương tiện vi phạm chở quá tải.

Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV Báo Giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn cho thấy, tình trạng xe quá tải, nhất là xe chở vật liệu san, lấp vẫn diễn ra khá phổ biến, nguy cơ phá hỏng một số tuyến đường trục chính.

“Biện minh kiểu gì cũng rất khó thuyết phục”

Xe ben BKS 50H – 041.01 cơi thùng để chở quá tải lưu thông trên QL51 chiều 10/5. Ảnh: Mai Huyên

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, từ tháng 4/2014 – 8/2016, khi liên Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%.

Tuy nhiên, từ năm 2017, khi kết thúc kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa ngành GTVT và Công an, xe quá tải bắt đầu tái diễn, xuất hiện nhiều trên các đoạn quốc lộ, đường tỉnh, một số đoạn đường cao tốc, khu vực có công trình xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản.

Giai đoạn năm 2016 – 2021, chỉ riêng lực lượng Thanh tra ngành GTVT kiểm tra hơn 2,7 triệu xe, trong đó phát hiện hơn 307 nghìn xe vi phạm về tải trọng, xử phạt nộp kho bạc nhà nước hơn 2.300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN)


Hiện nay, xe quá tải bùng phát trở lại nhức nhối và mức độ vi phạm chở quá tải càng nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài sẽ tàn phá đường rất nhanh.

Nói về nguyên nhân khiến xe quá tải bùng phát trở lại, ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT nhìn nhận, hành vi vi phạm chở quá tải không phải là ngẫu nhiên mà là cố ý vì nó đem lại lợi ích cho một số người.

“Ngoài chủ xe, lái xe, không loại trừ lực lượng chức năng làm công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo kê cho xe quá tải. Lãnh đạo một số địa phương cũng làm ngơ cho xe quá tải để phát triển kinh tế – xã hội.

Lợi ích chỉ một số ít người được hưởng nhưng cả xã hội phải chịu hậu quả của việc đường hư hỏng do xe quá tải gây ra”, ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, Chỉ thị 32/2017 của Thủ tướng đã giao trách nhiệm chính kiểm soát tải trọng xe cho các tỉnh. Người đứng đầu các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xe chở quá tải trên địa bàn.

Tuy vậy, thực tế hầu hết Chủ tịch UBND các tỉnh không chấp hành. Đến nay, xe quá tải bùng phát trên nhiều tuyến đường, nhiều địa phương nhưng chưa có Chủ tịch UBND tỉnh nào bị xử lý.

Cũng tiếp cận ở góc độ cơ chế chính sách, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, các lý do được đưa ra lý giải cho sự bùng phát trở lại xe quá tải như bận chống dịch, lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu thốn thật khó thuyết phục.

“Trước đây chúng ta đã từng làm được, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%. Vậy tại sao giờ lại không xử lý được xe quá tải”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Hùng, thành công của việc kiểm soát xe quá tải trong giai đoạn năm 2014 – 2016 có sự đóng góp không nhỏ từ khi kế hoạch phối hợp 12593 giữa ngành GTVT và ngành Công an được thực hiện.

Sau khi kết thúc kế hoạch phối hợp, mỗi lực lượng làm theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Lực lượng CSGT kiểm soát xe quá tải trên đường. Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm soát ở các đầu nguồn hàng là các mỏ vật liệu, bến cảng, nhà máy, xí nghiệp.

Việc “phân vai” này về mặt hình thức nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế không luật pháp nào cho phép Thanh tra giao thông vào các nhà máy xi măng hay mỏ vật liệu để cân xe và xử phạt.

Khi xe chưa ra đường, dù có quá tải mức bao nhiêu chăng nữa, lực lượng Thanh tra giao thông không thể vào các đầu mối bốc xếp hàng hóa để xử phạt.

Vì vậy, khi giao cho lực lượng Thanh tra giao thông nhiệm vụ này là không đầy đủ và không phù hợp. Cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng giao nhiệm vụ đúng với chức năng, thẩm quyền quản lý Nhà nước của từng cơ quan.



[ad_2]
Theo ATGT.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *